Sau phiên khớp lệnh tỷ đô, thị trường sẽ diễn biến ra sao?
Bất chấp những thông tin tiêu cực của COVID-19 đang lan ra nhiều tỉnh thành, thị trường chứng khoán đã có phiên dòng tiền ào đạt đổ vào đua khớp lệnh...
Tâm điểm trong phiên giao dịch 10/5 là nhóm vốn hóa lớn tiếp tục dẫn dắt thị trường trong ngày đầu tuần. Lực mua mạnh ở nhóm vốn hóa lớn đã giúp các chỉ số tiếp tục nới rộng đà tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,77 điểm lên 1.259,58 điểm. Toàn sàn có 214 mã tăng, 207 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,41 điểm lên 280,27 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 115 mã giảm và 64 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 941 triệu cổ phiếu, trị giá 26.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 24.600 tỷ đồng, như vậy, TTCK Việt Nam tiếp tục có một phiên khớp lệnh tỷ "đô". Khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 90 tỷ đồng trên HoSE.
Với phiên tăng điểm tích cực đã diễn ra, VN-Index một lần nữa test lại vùng kháng cự 1.250-1.260 điểm.
Lực cầu bắt đáy cũng xuất hiện tại VNM ( tăng 6,9%) giúp cổ phiếu này đóng cửa tại 93.000 đồng/cp với vùng kháng cự gần 100.000-103.000 đồng/cp có thể hướng đến. MSN cũng ghi nhận phiên tăng hết biên độ trong phiên hôm nay.
VNM, MSN và HPG là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của VnIndex ngày hôm nay, đóng góp lần lượt 3,34, 2,06 và 1,94 điểm.
Thị trường xảy ra tình trạng phân hóa cao, dù khởi sắc nhưng vẫn còn rất nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu. Trong đó, BCM giảm đến 5%, NVL giảm 5,1%, HVN giảm 2%, MWG giảm 1,6%, SAB giảm 1,4%.
Về diễn biến nhóm ngành, 7 trên 11 nhóm ngành tăng điểm trong phiên giao dịch. Dẫn dầu là ngành Năng Lượng (+4,51%) – được hỗ trợ bởi PLX (+5,13%) và PVD (+3,59%). Ở chiều ngược lại, ngành Công Nghệ (-0,71%) là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên hôm nay, do tác động tiêu cực từ sự giảm điểm của DGW (-0,84%), CMG (-0,86%) và ELC (-1,68%).
Theo các chuyên gia phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc do ảnh hưởng từ áp lực chốt lời ngắn hạn. Đồng thời, sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng lực bán có thể gia tăng lên nhóm cổ phiếu ngành Thép.
Yuanta Việt Nam đánh giá rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu này sẽ có chiều hướng gia tăng dần cho nên dòng tiền sẽ có khuynh hướng dịch chuyển từ nhóm Thép sang nhóm cổ phiếu khác như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý có dấu hiệu hồi phục nhẹ, nhưng chỉ báo này vẫn nằm trong vùng bi quan cho thấy đà tăng chưa bền vững.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung được nâng từ mức giảm lên trung tính. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tăng nhẹ tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua ở các nhịp tăng mạnh do thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh mạnh ở các phiên giao dịch tới. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tăng đòn bẩy ở giai đoạn này”, các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cho hay.
Theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của CTCK BVSC, thị trường dự báo sẽ điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong phiên kế tiếp. Vn-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.275-1.285 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lại lại xu thế tăng điểm trong ngắn hạn.
Về chiến lược đầu tư, theo ông Bách, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 35-40% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua ngắn hạn nếu thị trường điều chỉnh về vùng 1.200-1.220 điểm hoặc vượt thành công vùng kháng cự 1.275-1.285 điểm.
Có thể bạn quan tâm