Áp lực chốt lời tiếp tục "đè" VN-Index
Trong phiên giao dịch hôm qua, trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index đã mất 13 điểm xuống còn 1.303,57 điểm. Liệu áp lực chốt lời còn kéo dài?
Diễn biến thị trường đã có sự phân hóa ở các chỉ số. Cụ thể, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 27/5 giảm 1% đóng cửa tại 1.303,57 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0.13% đóng cửa tại 304,45 điểm; Chỉ số UpCOM-Index tăng 1.23%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 26.257 tỷ đồng tăng hơn 7.7% so với phiên liền trước.
TTCK giảm điểm trước lo ngại diễn biến xấu tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế xác định mức độ dịch bệnh để tiến hành giãn cách xã hội những nơi có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, áp lực chốt lời diễn ra mạnh khi thị trường đã trải qua chuỗi phiên tăng dài với đa số nhà đầu tư đều có lãi. Tuy nhiên, áp lực bán chưa diễn ra trên diện rộng và vẫn xuất hiện nhiều mã tăng giá. Nổi bật là nhóm Bất động sản như KDH (+5.1%), PDR (+3.6%), DXG (+3.4%)…
Nhóm Ngân hàng có sự điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng gần đây như BID, CTG, MBB, TCB, TPB, VCB… Mặc dù vậy, nhóm NHTM có vốn hóa nhỏ như LPB (+3.1%), STB (+1%), VIB (+1.3%), NVB (+9.4%) lại đi ngược thị trường trong phiên hôm nay.
"Nhóm Đầu cơ" cũng ghi nhận giao dịch tích cực ở nhiều mã như TSC (+3.9%), FIT (+4.1%), MHC (+6.6%)…tăng tốt.
Khối ngoại tiếp tục phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với hơn 254 tỷ đồng trong phiên 27/5. Lượng mua ròng tập trung tại PLX (136 tỷ đồng), đây là cổ phiếu dẫn đầu ở chiều mua ròng trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, THD (133 tỷ đồng), VNM (67 tỷ đồng). Khối này bán ròng tại HPG (156 tỷ đồng), VPB (82 tỷ đồng), TPB (72 tỷ đồng) dẫn đầu chiều bán ròng.
Đánh giá thị trường trong phiên tới, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể có thể sẽ đi ngang quanh ngưỡng 1.300 điểm.
“Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa ở những phiên giao dịch tới, đặc biệt chúng tôi nhận thấy dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm nhẹ trong vùng bi quan” – Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam nhận định.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, ông Minh khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại.
Còn theo quan điểm của CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh có thể khiến chỉ số diễn biến giằng co trong những phiên tới. Mặc dù vậy, xu hướng tăng điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo và chỉ số sẽ nhận được lực đỡ tại 2 vùng hỗ trợ, gần là quanh 1.295 điểm và sâu hơn là 1.280-1.285 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên tập trung cho các vị thế ngắn hạn, mua trading khi điều chỉnh về hỗ trợ và bán khi vượt đỉnh đạt kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm