Vinatex “cuốn theo chiều gió”?
Năm 2021 là năm thứ hai Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UpCOM: VGT) có thể tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh COVID-19.
Dù Vinatex chịu tác động tiêu cực từ COVID-19 năm 2020, nhưng đã ghi nhận doanh thu hợp nhất 14.842 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 593 tỷ đồng, vượt 55,5% kế hoạch.
Khó thành công như năm 2020
Nỗ lực của năm 2020 có thể được xem là đà phóng cho Vinatex ở năm nay, nếu không có những rào cản bất ngờ xuất hiện.
Theo kế hoạch năm 2021, Vinatex đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 17.365 tỷ đồng, tăng 117% so với thực hiện của 2020 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 700 tỷ đồng, tăng 118% so với thực hiện của 2020. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu cao khi kịch bản dịch bệnh như dự phòng đã thực tế xảy ra và theo kịch bản này, xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng dưới 10%, đạt 38,6 tỷ USD so với mức 40 tỷ USD của kịch bản lạc quan.
Vinatex trong vị thế dẫn đầu ngành và trong dòng chảy chung của biến động tăng trưởng ngành Sợi – Dệt - May toàn cầu, khó có thể khẳng định sẽ tiếp tục thành công như năm 2020. Lợi thế về bối cảnh lúc này của Tập đoàn, đang được đặt hi vọng vào sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường đã được tiêm phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, bên cạnh đó lại là sự khó khăn của Ấn Độ do COVID-19, là quốc gia cạnh tranh trên thị trường dệt may toàn cầu với Việt Nam.
700 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến của Vinatex năm 2021, tăng 118% so với 2020.
Cổ đông lớn thoái vốn
Theo kế hoạch SCIC đã công bố, Vinatex nằm trong danh mục Tổng Công ty dự kiến thoái vốn năm nay (SCIC đang năm giữ 53,49%). Ngoài ra, một cổ đông tổ chức trong nước lớn là Vingroup, cũng đã có động thái thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống còn 7,54% tại Vinatex. Hoạt động thoái vốn của SCIC, và thậm chí có thể còn có cả Vingroup trong thời gian tới đây, dự báo sẽ mở ra hai hướng, gần như hoàn toàn khác biệt nhau với Tập đoàn này:
Thứ nhất, nếu Nhà nước thoái vốn thành công, Vinatex hẳn sẽ có đợt tái cơ cấu sắp xếp lại phù hợp với chủ sở hữu chi phối mới. Chưa biết đều này có mang đến thuận lợi cho Tập đoàn hay không khi trong thời gian qua, Vinatex vẫn đã và đang tái cấu trúc đặc biệt về quản lý, sắp xếp vốn.
Thứ hai, nếu Nhà nước chưa thoái vốn thành công, Vinatex sẽ còn thời gian tận dụng sự tập trung quản lý Nhà nước để chia sẻ thông tin, nguồn hàng, điều phối tồn kho phù hợp giữa các công ty thành viên trong khả năng cho phép của pháp luật, nhằm tạo sự thích ứng linh hoạt với bối cảnh biến động.
Tuy nhiên về lâu dài, Nhà nước thoái vốn và trả lại không gian vận hành theo kinh tế tư nhân vẫn được các chuyên gia đánh giá sẽ là thuận lợi cho Vinatex trong việc thúc đẩy tái cơ cấu hiệu quả để giảm bớt sự… cồng kềnh, tiết giảm chi phí vận hành và gia tăng hiệu quả.
Hiện nay, cổ phiếu VGT đang tặng mạnh trở lại, đạt 19.000đ/cp. Đây là yếu tố thuận lợi cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước. Nhưng tín hiệu xanh này lại không thực sự phản ánh hiệu quả kinh doanh của Vinatex, đang đi lùi ngay trong quý I/2021, với doanh thu giảm 15% và lợi nhuận giảm 12%.
Nếu cứ tiếp tục đi lùi, Vinatex sẽ khó đạt đạt được vận tốc theo lộ trình của giai đoạn “bản lề” 2021-2023 nhằm thay đổi và phát triển mà Tâp đoàn này đặt ra.
Có thể bạn quan tâm