VAFI: Cần mở chiến dịch “làm sạch” thị trường chứng khoán
Làm thế nào để làm sạch thị trường chứng khoán (TTCK), xử lý nghẽn mạng, dẹp nạn trục lợi cổ phiếu và để thị trường là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế?
Nghẽn mạng - Nhà đầu tư mất tiền oan?
Tình trạng nhiều phiên giao dịch trên sàn HoSE liên tục bị đơ, bị nghẽn trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư bị mất tiền oan. Đỉnh điểm phiên giao dịch ngày 9/6, khi các dữ liệu về điểm số và thanh khoản bên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chạy liên tục, bảng giá sàn HoSE lại tiếp tục bị treo và chỉ số VN-Index bị "treo cứng" trong thời gian suốt phiên giao dịch...
Tình trạng bảng giá bị "đơ" tiếp tục diễn ra trong nhiều phiên giao dịch gần đây. Trước đó, vào phiên 8/6, giữa lúc TTCK giảm sốc, cổ phiếu đồng loạt rớt giá, nhà đầu tư lại "bịt mắt" vì bảng giao dịch bị "tê liệt". Hàng loạt lệnh bán MP bị kích hoạt dồn dập, nhà đầu tư bán tháo trong cơn hoảng loạn, khiến thị trường lao dốc mạnh, VN-Index "bốc hơi" gần 39 điểm.
Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 1/6, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động TTCK Việt Nam, sàn HoSE thông báo ngừng giao dịch phiên chiều vì... tiền quá nhiều, tổng giá trị giao dịch phiên sáng tại sàn đã vượt 21.700 tỉ đồng, với lý do mà ông Lê Hải Trà -Tổng Giám đốc sàn HOSE cho rằng, nếu mở phiên chiều sẽ "dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống" giao dịch.
Tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhiều hơn và giá trị giao dịch tại sàn này ngày càng lớn. Điều gây bức xúc đối với nhà đầu tư là với hàng loạt sự cố nghẽn lệnh, bảng giá bị treo khiến nhà đầu tư như bị "bịt mắt" khi giao dịch nhưng lãnh đạo HoSE luôn đổ lỗi cho lý do khách quan. Cho đến nay, trước hàng loạt sự cố, Ban Lãnh đạo sàn HoSE chưa có văn bản chính thức thông tin tổng thể về tình trạng quá tải hệ thống giao dịch mà chỉ đưa ra một số giải pháp khắc phục có tính giật cục.
Cần phải thanh tra toàn diện?
Trước bức xúc của giới đầu tư, mới đây VAFI-Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cho rằng cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện HoSE để xóa tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu và cần mở chiến dịch làm sạch TTCK.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, Lãnh đạo sàn HoSE không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường. Tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HOSE không thể làm chủ công nghệ vận hành? Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng đề nghị tìm hiểu về chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HSX ra sao.
Bên cạnh đó, VAFI còn đề nghị phía Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Đây được cho là một dự án nhỏ, được khởi động từ năm 2012 nhưng đã 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Vậy cần phải tìm nguyên nhân tại sao dự án tiến hành chậm trễ, giá trị dự án liệu có tăng lên so với ban đầu? VAFI cũng đề nghị phải xác định vai trò của nhà thầu phụ trong dự án này, do ai lựa chọn, chất lượng nhà thầu ra sao và có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không?
Dẹp vấn nạn cổ phiếu rác trên sàn HoSE?
Ngoài ra theo VAFi, hiện nay có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo (cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HSX), thậm chí còn có tình trạng công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực. Việc này có bàn tay thao túng, mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo nhằm đẩy giá chứng khoán đã làm nhiều nhà đầu tư trắng tay…
Theo đó là thủ đoạn tạo doanh thu, lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục, hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực. Vì vậy, VAFI cho rằng, cần thiết phải mở chiến dịch làm trong sạch TTCK.
Tình trạng các cổ phiếu "rác" không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE nhưng đã được lựa chọn vào chỉ số VN30 diễn ra đã 6 năm từ 2014 - 2020. Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng lại không được kiểm soát từ UBCK Nhà nước...
Ông Hải cho biết, từ trước tới nay chưa có nội dung thanh tra toàn diện nào tại các doanh nghiệp niêm yết được tiến hành bởi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước hay thanh tra tài chính. Đây chính là khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán. Do vậy cần có chiến dịch làm sạch TTCK để tránh tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư luôn xác định TTCK phát triển ổn định, bền vững sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế…
KIẾN NGHỊ CỦA VAFI: 1/ Thanh tra loại cổ phiếu "rác" bị nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được "nhà đầu tư chiến lược'' để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%. |