Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp ngành phân bón hưởng lợi
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều nước. Giá nguyên liệu đầu vào cùng với cước vận tải tăng cao đã kéo theo giá phân bón tăng “nóng” trong thời gian vừa qua.
Giá phân bón tăng “nóng”
Theo các bản tin của Argus và Fertecon, nguồn cung ure trên toàn thế giới tiếp tục khan hiếm, giá tiếp tục tăng. Cụ thể, giá FOB tại Biển Đen đã tăng lên mức 420 - 435 USD/tấn - mức cao nhất từ năm 2013 đến nay. Tại Trung Quốc là 435 - 445 USD/tấn; Trung Đông là 450 - 460 USD/tấn và thông tin gần nhất là gói thầu ngày 24/6 của Ấn Độ cho lô hàng hơn 1,8 triệu tấn ure có giá chào thấp nhất lên đến 505 USD/tấn CFR.
Trong tháng 7, nguồn cung từ các nước sản xuất ure lớn tiếp tục giảm do nhiều nhà máy tiến hành bảo dưỡng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc dừng việc chào giá khiến giá ure dự báo tiếp tục bị đẩy lên cao. Thậm chí, trên thế giới các đơn hàng tháng 8 đang được chào với giá 470 - 480 USD/tấn FOB.
Giá kali thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và một số biến động địa chính trị, một số nhà phân phối lớn đã ngưng việc chào giá. Việc Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp lệnh trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Belarus tiếp tục khiến giá mặt hàng này leo thang, việc giao các đơn hàng kali cũng không được đảm bảo do thiếu hụt nguồn cung. Tại thị trường Đông Nam Á, giá chào mua là 400 USD/tấn CFR cho hàng bột tiêu chuẩn (standard mop), tại tây bắc châu Âu tăng lên mức 430 - 450 USD/tấn CFR; Brazil 500 - 550 USD/tấn CFR.
Phosphate là mặt hàng phân bón tăng mạnh nhất trong những tháng qua và nỗi sợ về việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu cùng nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ đã làm giá DAP ở nước này tiếp tục cao ở mức 590 USD/tấn CFR. Giá MAP tại thị trường Brazil hôm nay ở mức 753 - 758 USD/tấn CFR. Dự báo giá phosphate sẽ tiếp tục tăng tại một số thị trường như DAP Trung Quốc đã chào giá các lô hàng DAP trong tháng 7 với giá cao hơn tháng 6 và nhiều nhà cung cấp tạm thời chưa chào giá hàng giao tháng 8.
Tại thị trường trong nước, giá ure Cà Mau và Phú Mỹ đầu tháng 4 dao động từ 8.700-9.100 đồng một kg, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Giá phân ure do các nhà máy trong nước sản xuất thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500-700 đồng/kg. Giá DAP xanh đen đầu tháng 6 xấp xỉ 11.300 đồng/kg, trong khi đầu năm chỉ quanh 8.300 đồng. Giá DAP nhập khẩu từ Ai Cập, Hàn Quốc, Nga còn được đẩy lên cao hơn khi có mặt hàng chạm ngưỡng 15.000 đồng/kg.
Lý giải về nguyên nhân giá phân bón trong nước tăng cao, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 vừa qua, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, giá phân bón trong nước có sự liên thông với thế giới. Khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất thế giới tăng,thậm chí có mặt hàng tăng bằng lần như axit sunphuaric - nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm, thì giá phân bón trong nước cũng tăng theo.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao
Giá phân bón tăng cao kéo theo lợi nhuận cũng như thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành phân bón tăng trưởng cao trong thời gian qua.
Cụ thể, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), với doanh thu thuần quý I/2021 đạt 2.003 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng tỷ lệ tương ứng nên lợi nhuận gộp đạt gần 375 tỷ đồng tăng 28% so với quý I/2020.
Trong kỳ DPM có hơn 27 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, chi phí tài chính giảm đáng kể từ 27,8 tỷ đồng xuống còn 17,8 tỷ đồng nên sau khi trừ các khoản chi phí DPM lãi sau thuế gần 171 tỷ đồng tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá bán mặt hàng phân bón quý I/2021 tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng.
Không chỉ tăng trưởng về mặt doanh thu và lợi nhuận, mà sản lượng sản xuất các sản phẩm của DPM đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch sau 5 tháng đầu năm. Trong đó sản lượng NPK Phú Mỹ sản xuất vượt kế hoạch 17% và tăng 69% so với cùng kỳ 2020. Về mặt tiêu thụ, hầu hết các sản phẩm đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2020, riêng sản phẩm NPK Phú Mỹ vượt 5% kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, DPM đặt mục tiêu đạt 8.331 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 5,9% so với doanh thu đạt được năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, giảm 48% so với lợi nhuận đạt được năm 2020.
Trên thị trường, cổ phiếu DPM hiện đang giao dịch với mức giá 23.650 đ/cổ phiếu, so với hồi đầu năm, cổ phiếu DPM tăng 27,83%. Giới chuyên gia nhận định cổ phiếu DPM vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung hạn. Bởi hoạt động của công ty tiếp tục thuận lợi khi giá phân bón tăng mạnh trên thị trường thế giới nhờ vào nhu cầu gia tăng khi giá nông sản tăng mạnh, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giá dầu, khí tăng cũng làm giá phân bón tăng lên.
Tương tự, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đạt 1.873 tỷ đồng doanh thu trong quý I, tăng 39% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế tăng 64% lên mức 152 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do sản lượng và giá ure đều tăng. Doanh thu xuất khẩu của mảng Ure tăng gấp 3 lần quý I/2020. Tổng doanh thu bán ure trong quý đạt 1.531 tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu cả quý.
DCM cũng vượt 14% kế hoạch với tổng sản lượng tiêu thụ các loại phân bón đạt 260.000 tấn. Riêng sản phẩm chính là Urê và các sản phẩm gốc Urê do Công ty sản xuất chiếm 210.000 tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, DCM đã thực hiện 44% kế hoạch sản lượng phân Urê.
Trên thị trường cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau cũng tăng mạnh, hiện giao dịch ở mức đỉnh của nhiều năm. So với thời điểm đầu tháng 6/2021 DCM đã tăng khoảng 20%. Còn nếu so với thời điểm đầu năm 2021, cổ phiếu DCM đã tăng khoảng 44%. Hiện DCM đang giao dịch quanh mức 20.100 đ/cổ phiếu.
Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC), quý I/2021 đạt 1.766 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù chi phí giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh gấp 2 lần lên 1.543,8 tỷ song lợi nhuận gộp đạt gần 223 tỷ đồng cao gấp 2,1 lần cùng kỳ 2020. Sản lượng sản xuất phân bón các loại trong quý đạt 163.557 tấn. Sản lượng tiêu thụ đạt 178.057 tấn.
Doanh thu tài chính giảm từ mức 2,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 873 triệu đồng do khoản thu từ lãi tiền gửi giảm. Chi phí tài chính giảm 23% còn 17,7 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao 62,5% và 26,4%, lần lượt ghi nhận 89,6 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Song, BFC vẫn ghi nhận lãi sau thuế 68,2 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 15 lần so với con số 4,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 55,7 tỷ đồng, EPS đạt 876 đồng.
Trên thị trường, từ đầu tháng 2/2021, cổ phiếu BFC đã tăng mạnh từ vùng giá 14.700 đ/cổ phiếu lên mức giá 23.200 đ/cổ phiếu vào hồi đầu tháng 4 vừa qua, tăng mạnh 58% trong vòng 2 tháng. Hiện cổ phiếu BFC đang giao dịch với mức giá 28.700 đ/cổ phiếu, nếu so với hồi đầu năm, cổ phiếu này đã tăng trưởng 73,93%.
Có thể bạn quan tâm
Giá phân bón thế giới lại tiếp tục tăng “nóng”
03:00, 28/06/2021
Phân bón Cà Mau chủ động giảm xuất khẩu để tập trung nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước
15:00, 25/06/2021
Phân bón Cà Mau thuộc top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất
14:44, 21/06/2021
Nỗ lực tăng nguồn cung phân bón cho bà con nông dân
12:01, 16/06/2021