Chứng khoán lao dốc phiên đầu tuần phản ánh điều gì?
Theo các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh ngay trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng từ diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp trên cả nước.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm 55,8 điểm xuống 1.243,51 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 346 mã giảm và 21 mã đứng giá. HNX-Index giảm 15,7 điểm xuống 292,06 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 186 mã giảm và 142 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm xuống 82,55 điểm. Trong nhóm VN30, có đến 29 mã giảm, 1 mã tăng giá chỉ số VN30 đóng cửa ở mức 1.374 điểm, giảm mạnh 63,9 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 25.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 23.200 tỷ đồng, tăng 41% so với phiên thứ Sáu tuần trước. Giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tăng 48,9% lên 20.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 101 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh Chứng chỉ quỹ FUEVFVND, KDH, HPG...
Về nguyên nhân cho đà giảm phiên đầu tuần, theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCK Tân Việt, thị trường giao dịch đã chịu ảnh hưởng từ thông tin các ca nhiễm COVID-19 mới trong hai ngày cuối tuần qua, tình hình dịch bệnh có vẻ phức tạp hơn, kết hợp đà giảm của thị trường 2 tuần trước đó khi VN-Index đã giảm từ 1.420 điểm xuống ngưỡng 1.288 điểm, với mức giảm khoảng 11%.
Ngay từ đầu phiên sáng, VN-Index đã có sự giảm điểm mạnh và dần cuối phiên mức giảm tăng lên, đặc biệt các nhóm cổ phiếu chính dẫn dắt thị trường lâu nay như nhóm ngân hàng có sự suy giảm lớn. Một số ngân hàng có sự giảm mạnh như TCB, CTG, MBB cũng có sự giảm mạnh.
Thanh khoản thị trường trong phiên hôm nay cũng khá cao, riêng sàn HoSE giá trị khớp lệnh đã hơn 20.000 tỷ đồng cao hơn so với các phiên tuần trước khi giao dịch chỉ xoay quanh 14.000-15.000 tỷ đồng.
Còn theo đánh giá của ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường KBSV, có nhiều yếu tố đang tác động lên thị trường, nhưng yếu tố quyết định và kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chủ yếu đến từ thông tin diễn biến của dịch COVID-19.
Trong những phiên cuối tuần trước, khi thị trường giao dịch tương đối cân bằng thì nhà đầu tư kỳ vọng khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị số 16 hơn 1 tuần có thể giúp số ca nhiếm mới khi bước sang tuần này sẽ có xu hướng giảm, tuy nhiên, những con số thực tế công bố vào cuối tuần cho thấy những ca nhiễm mới trên toàn quốc và TP.HCM đều tăng mạnh, đây chính là nguyên nhân dẫn đến áp lực bán tăng mạnh trong phiên đầu tuần hôm nay.
Áp lực bán đã diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như chứng khoán, ngân hàng, thép… mặc dù dự báo kết quả kinh doanh quý 2 của những nhóm này vẫn được dự báo tương đối tích cực.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng còn chịu áp lực bán do NHNN có yêu cầu các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
Nếu các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tiêu cực lên nguồn thu của ngân hàng từ lãi, điều này có thể ảnh hưởng đến đánh giá của các công ty chứng khoán về triển vọng kinh doanh quý 3 và 4. Tổng hòa các yếu tố như vậy đã khiến thị trường điều chỉnh tương đối sâu trong phiên hôm nay.
Bên cạnh đó, nhận định về xu hướng thị trường, ông Lê Ngọc Nam cho rằng hiện vùng 1.200 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự hỗ trợ tương đối mạnh cho thị trường và tuy vậy trong trạng thái thị trường đang có đà bán như hiện tại chúng ta cần có những thận trọng nhất định. Ông Nam nhận định rằng, mặc dù tình hình dịch diễn biến phức tạp trong một vài phiên gần đây nhưng chúng ta khó có thể so sánh với thời điểm quý 1/2020 khi mà xuất hiện các diễn biến dịch đầu tiên.
Một số khác biệt có thể nêu ra như thời điểm trước đây gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có lệnh phong tỏa khiến nhiều thị trường đã hoảng loạn trước thông tin dịch bệnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta có thể thấy mặc dù tình hình dịch bệnh có chuyển biến xấu hơn trước đây, nhưng các quốc gia như Mỹ, châu Âu tình hình đã tương đối ổn định và nhu cầu hàng hóa tốt do đó với cương vị là một quốc gia xuất khẩu, Việt Nam có kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu thị trường. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn sẽ được duy trì ở mức độ tương đối tốt.
Ngay cả trong nước, khả năng giãn cách xã hội, dừng mọi hoạt động sản xuất có xác suất không lớn, nhiều khu vực mặc dù bị giãn cách nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất bằng cách triển khai các phương án để công nhân ăn ở tại chỗ, đảm bảo nhu cầu sản xuất, đáp ứng các đơn hàng.
Như vậy, có thể thấy hiện trạng đang khác so với tình hình 1 năm trước, chúng ta có thể kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trong một vài phiên tới.
Có thể bạn quan tâm