Triển vọng HVN sau đợt phát hành cổ phiếu ưu đãi
Thị giá cổ phiếu của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam-Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tăng trần lên mức 21.500 đồng/cổ phiếu sau thông báo phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên.
Sau khi Vietnam Airlines triển khai hoạt động phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu HVN đã ghi nhận mức tăng trần lên 21.500 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều ngày 30/7.
Trước đó, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản, với tư cách là cổ đông chiến lược sở hữu 8,77% cổ phần, được khoảng 70 triệu quyền mua cổ phần. Tuy nhiên, ANA cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với mức lỗ 784 triệu USD trong năm tài khoá 2020. Vì vậy, HVN đã trao đổi với ANA và nhận được sự đồng ý của đối tác này, chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines.
Thay mặt ANA, Công đoàn của HVN sẽ thực hiện việc chuyển nhượng quyền mua và phân phối cho hơn 15.100 người lao động của Vietnam Airlines Group, bao gồm cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ Vietnam Airlines, 4 công ty con (VIAGS, VAECO, SKYPEC, VACS), người lao động biệt phái tại các công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ từ 51% đến dưới 100%, liên minh SkyTeam và tiếp viên người Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Alsimexco.
Đại diện hãng hàng không quốc gia cho biết, đây là một cơ hội tốt cho người lao động tham gia đầu tư, với tỷ lệ rủi ro thấp, khả năng sinh lời cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút, từ đó, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc, tạo sự gắn bó lâu dài với tổng công ty.
“Việc phân phối quyền mua cổ phiếu sẽ được thực hiện theo nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch và nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ nhân viên”, đại diện HVN khẳng định.
Kế hoạch năm 2021 của HVN đề ra khó có sự tăng trưởng như mong đợi, khi thị trường hàng không hiện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, Công ty chứng khoán HSC nhận định, rủi ro thanh khoản của HVN đã giảm nhờ hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong nửa cuối 2021. Đó là ngoài kế hoạch huy động 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi, HVN còn được nhận Gói hỗ trợ của Chính phủ thông qua khoản vay tái cấp vốn trị giá 4.000 tỷ đồng. Theo đó vào ngày 7/7/2021, HVN đã ký hợp đồng với 3 ngân hàng SeABank, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Ngân hạng TMCP Sài Gòn Hà Nội để được nhận khoản vay tái cấp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, đã được giải ngân hơn 2.000 tỷ và khoản còn lại sẽ được giải ngân ngay trong tuần này.
Lãnh đạo HVN cũng công bố tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra hôm 14/7 là công ty sẽ giải ngân khoản vay này để thanh toán các khoản phải trả cho nhà cung cấp. Khoản vốn huy động được sẽ được dùng để thanh toán nợ và tăng vốn lưu động. Các khoản hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp HVN giảm rủi ro về thanh toán nợ trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngoài ra, nhờ số lượng cổ phiếu mới được phát hành, rủi ro bị hủy niêm yết do âm vốn chủ sở hữu sẽ giảm, Chứng khoán HSC ước tính vốn chủ sở hữu sẽ dương trở lại vào thời điểm cuối năm 2021 (từ mức âm hiện tại do lỗ lớn trong nửa đầu năm 2021).
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine rộng rãi sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, để từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.
Thêm vào đó, về hạ tầng cảng hàng không, trong nửa đầu năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án cải tạo đường cất - hạ cánh tại cả 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện tại, giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đúng kế hoạch trong tháng 7/2021. Khi hoàn thành sửa chữa, 2 sân bay lớn nhất nước được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không.
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, việc nhiều quốc gia và khu vực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong vòng 12 - 18 tháng tới, dù đại dịch vẫn đang tiếp diễn và nguy cơ gián đoạn hoạt động đi lại bằng đường hàng không xảy ra.
Về mặt chính sách, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng, vai trò của ngành hàng không trong nền kinh tế nói chung và vai trò của hãng hàng không quốc gia rất quan trọng. Trước khó khăn của các hãng hàng không do tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thể hiện vai trò quản lý nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho tất cả các hãng hàng không như giảm một số loại thuế, phí hoạt động. Đồng thời thể hiện vai trò của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông qua các gói hỗ trợ đặc thù.
“Chính sách đã có, nhưng nếugói hỗ trợ chậm được giải ngân sẽ ảnh hưởng sức chống chịu của hãng và sự phục hồi trong tương lai, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Nhìn chung, một khi bài toán duy trì thanh khoản và tăng nguồn lực của HVN được giải, khó khăn vì COVID-19 sẽ là câu chuyện trước mắt song triển vọng dài hạn của một doanh nghiệp đầu ngành xương sống - vận chuyển của nền kinh tế, triển vọng của HVN vẫn được đánh giá cao. Phản ứng của thị trường đối với cổ phiếu HVN ngay cả khi thị trường chứng khoán đang giảm nhiệt dòng tiền, cho thấy điều này.
Có thể bạn quan tâm
“Lối thoát” cho HVN
05:00, 20/06/2021
Thấy gì từ kết quả kinh doanh bán niên của HVN và VJC?
05:00, 10/08/2020
Cổ phiếu HVN liệu có vượt mức kháng cự ngắn hạn?
04:00, 05/12/2019
Khai trương phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu HVN trên sàn HOSE
11:20, 07/05/2019