ACV tăng lãi nhờ đâu?
Nhờ khoản tiền gửi ngân hàng hơn 33.000 tỷ đồng đã giúp ACV có khoản doanh thu tài chính tăng mạnh, kéo doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ACV tăng theo.
Hoàn thành 71% kế hoạch năm
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UpCOM: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2021, với doanh thu thuần đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 56%. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ hàng không đạt 1.240 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ phát sinh thêm 340 tỷ đồng từ dịch vụ cất hạ cánh.
Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không như: cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cung cấp tiện ích… cũng tăng từ 183 tỷ đồng lên 276 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng cũng tăng 24% lên 62,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp cải thiện từ con số âm 450 tỷ đồng lên 74,5 tỷ đồng tại quý II năm nay. Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng tăng 66% nhờ ghi nhận thêm gần 448 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ, trong khi quý II/2020 công ty không có khoản thu nhập này. Ngoài ra, các khoản lãi từ tiền gửi, tiền cho vay cũng mang lại hơn 440 tỷ đồng cho Tổng công ty.
Chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh xuống còn 23 tỷ đồng, giảm tới 94% trong kỳ do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Kỳ này, ACV đã chi 200 tỷ đồng để ủng hộ quỹ vaccine phòng chống COVID-19 nên chi phí quản lý tăng 156% lên gần 366 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của ACV đạt 507 tỷ đồng, riêng phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ là 510 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020, Tổng công ty lỗ hơn 320 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của ACV giảm 25% xuống 3.476 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 11% lên 1.685 tỷ đồng, hoàn thành 71% kế hoạch cả năm. Lãi sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 1.372 tỷ đồng, tăng 12%.
Tại thời điểm ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền là 525 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm cuối năm 2020, riêng tiền gửi ngân hàng không có kỳ hạn là 521 tỷ đồng. Ngoài ra, ACV còn 32.666 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 12 tháng. Như vậy, ACV có 33.187 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, giảm 495 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 59% tổng tài sản.
Về hoạt động đầu tư, kế hoạch giải ngân trong năm nay là 4.996 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà gia T2 và hạ tầng đồng bộ - cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nhà ga T2 – cảng hàng không quốc tế Phú Bài; nhà ga hàng hóa cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), đầu tư xây dựng cảng hàng không Điện Biên.
Quyết toán cổ phần hóa để niêm yết trên HoSE
Tại ĐHĐCĐ của ACV diễn ra hôm 27/7 vừa qua, ông Vũ Thế Phiệt – Tổng Giám đốc ACV cho biết, dự án sân bay Long Thành, ACV được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng hàng không với tổng mức đầu tư 99.000 tỷ đồng. Tổng công ty chuẩn bị nguồn tiền 36.000 tỷ đồng vốn tự có, số tiền còn lại huy động từ các tổ chức tài chính.
Theo ông Phiệt, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính và hạn mức vay có thể đạt 6 tỷ USD (138.000 tỷ đồng). Riêng Vietcombank cam kết cho vay khoảng 2,5 tỷ USD cho các dự án, sân bay Long Thành khoảng 1,5 - 2 tỷ USD. Tổng công ty cũng sẽ đàm phán với các tổ chức để vay bằng USD do có nguồn thu ngoại tệ, lãi suất không vượt báo cáo khả thi khoảng 5%.
Ngoài ra, ACV đã có số tiền tích lũy cho giai đoạn đầu, giải ngân nhiều nhất vào 2023-2024 nên thời điểm phải vay thêm vào khoảng cuối 2022. ACV đã chọn được nhà thầu tư vấn, kỹ thuật, tiếp theo sẽ làm tổng dự toán các hạng mục, đặc biệt là nhà ga để tiến hành vay.
Một điểm nữa là mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư. Việc này nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được Nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Liên quan đến việc niêm yết trên sàn HoSE, TGĐ ACV cho biết, hiện nay, BCTC kiểm toán của ACV vẫn còn ý kiến kiểm toán liên quan đến tài sản khu bay sau cổ phần hóa. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2007 giao ACV quản lý khai thác tài sản khu bay. Tổng công ty đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải phân định rõ phần tài sản này để quyết toán cổ phần hóa thì mới đủ điều kiện niêm yết HoSE.
Trên thị trường, cổ phiếu ACV đã quay trở lại giao dịch từ ngày 30/7 sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên sàn UpCOM từ 22/7 do đã không công bố thông tin họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ngay sau khi được giao dịch trở lại, cổ phiếu ACV đã có 5 phiên tăng điểm liên tiếp, chốt phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu ACV đạt 76.700 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 8% so với hồi đầu năm. Giới chuyên gia nhận định, ACV đang ở trong trạng thái tăng giá từ đầu tháng 6 đến nay. Thanh khoản cổ phiếu ổn định và nằm ở ngưỡng trung bình. Xu hướng tăng trong ngắn hạn và trung hạn của cổ phiếu ACV vẫn đang được bảo toàn.