Làm thế nào giữ chân dòng vốn ngoại?

NGUYỄN LONG 10/08/2021 05:20

Vì sao dòng vốn ngoại lại quay trở lại Việt Nam trong thời điểm hiện tại? Và chúng ta cần làm gì để giữ chân dòng vốn này cũng như thu hút thêm nguồn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán?

Dòng vốn ngoại đã quay lại thị trường trong vài tháng qua.

Dòng vốn ngoại đã quay lại thị trường trong vài tháng qua.

Theo dữ liệu thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kể từ tháng 7/2020. Đến đầu năm 2021, tình trạng bán ròng vẫn diễn ra mạnh mẽ. Nhưng bước sang tháng 7/2021, khối ngoại đã quay đầu mua ròng 4.941 tỷ đồng tính riêng trên HoSE. Còn theo Yuanta Việt Nam, chỉ riêng trong tuần đầu tháng 8, khối ngoại đã mua ròng mạnh 2.479 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn việc khối ngoại quay lại mua ròng trên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phóng viên Tạp chí DDDN đã có buổi trao đổi với ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán BVSC.

- Thưa ông, ông có thể lý giải vì sao dòng vốn ngoại lại quay lại mua ròng trên thị trường?

Nhìn về triển vọng của dòng vốn ngoại, hãy nhìn về mặt bằng định giá của thị trường ở thời điểm hiện tại và so sánh với giai đoạn trước đó, đặc biệt khi thị trường ở vùng đỉnh 1.400 điểm trở lên, chúng ta đã nhìn thấy áp lực bán ròng của khối ngoại rất lớn. Tuy nhiên, nhịp sụt giảm mạnh khiến thị trường về vùng hỗ trợ 1.200 điểm, lại thấy sự mua ròng trở lại của dòng vốn ngoại.

Ông Trần Xuân Bách.

Ông Trần Xuân Bách.

Nguyên nhân cho tình trạng này một phần đến từ định giá của thị trường giảm về mức hấp dẫn với mặt bằng P/E (hệ số giá trên thu nhập) ở thời điểm này là khoản 15-16 lần.  Nhưng để nhìn nhận triển vọng của thị trường có thực sự tạo ra sự hấp dẫn cho khối ngoại trong giai đoạn cuối năm 2021 hay thậm chí trong năm 2022, chúng ta sẽ phụ thuộc khá nhiều việc kiểm soát dịch bệnh. Trên nền hấp dẫn về định giá, sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thể hiện qua EPS (hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu) trong năm 2021 và năm 2022 phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

- Vậy ngoài yếu tố P/E hấp dẫn của thị trường, theo ông chúng ta cần những yếu tố nào để hút dòng vốn ngoại?

Rõ ràng, nếu chúng ta kiểm soát tốt diễn biến của dịch, không phải tăng thêm thời gian giãn cách xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng vận hành trở lại, cùng với các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế thì kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ sớm hoạt động ổn định trở lại, góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế. Điều này sẽ tạo ra sự hấp dẫn về mặt định giá với TTCK Việt Nam.

Theo tôi, yếu tố này là yếu tố khá quan trọng để thu hút sự trở lại của dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, yếu tố không kém phần quan trọng là triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới mà chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ được tổ chức nâng hạng tín nhiệm FTSE có thể xem xét đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 trong năm 2022.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thấy sự cải thiện về khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như triển khai một số sản phẩm khác để đa dạng hóa thị trường chứng khoán để đáp ứng được đủ các tiêu chí nâng hạng của các tổ chức nâng hạng.

Việc Việt Nam có thể hoàn thiện những tiêu chí trên sẽ giúp kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của FTSE là hiện hữu, nó sẽ thu hút được làn sóng đầu cơ, dòng vốn ngoại của nước ngoài vào thị trường.

Như vậy, hai yếu tố trên là yếu tố quyết định Việt Nam có tiếp tục thu hút được dòng vốn ngoại và giữ chân dòng vốn này trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Dòng vốn vào các quỹ ETF tích cực trở lại ở thị trường Việt Nam

Báo cáo của SSI Research cho biết, trong tháng 6 vừa qua, khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường Việt Nam. Theo đó, tổng lượng bán ròng trong tháng 6 là 4,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức bán ròng kỷ lục của tháng 5. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán là 30,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Dòng vốn ETF đảo chiều quay lại xu hướng tích cực trong tháng 6. Các quỹ bị rút ròng trong tháng 5 là VFM VN30 ETF và SSIAM VNFIN Lead đã có dòng tiền dương trở lại với giá trị là +560 tỷ đồng và +51 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Fubon là quỹ có giá trị rút ròng lớn nhất (-150 tỷ đồng). Tính chung cả tháng 6, có khoảng 26 triệu USD vốn vào các quỹ ETF tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Vận đen “ám” PVD

    Vận đen “ám” PVD

    11:00, 08/08/2021

  • “Hết duyên” cùng nhà Dr Thanh, Yeah1 sẽ đi về đâu?

    “Hết duyên” cùng nhà Dr Thanh, Yeah1 sẽ đi về đâu?

    04:50, 09/08/2021

  • Lạc quan về nhịp hồi phục của VN-Index

    Lạc quan về nhịp hồi phục của VN-Index

    05:00, 05/08/2021

NGUYỄN LONG