ACV: Hàng không lao dốc, lãi ròng vẫn không suy giảm nhờ thu nhập nào?

DIỄM NGỌC 02/09/2021 16:00

Dù phải điều chỉnh giảm lợi nhuận sau soát xét BCTC, nhưng lãi ròng bán niên của ACV vẫn ở mức rất cao, lên tới 1.200 tỷ đồng và không chênh lệch là bao so với cùng kỳ năm 2020.

Giảm 169 tỷ đồng lãi ròng sau soát xét

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCOM: ACV), trong quý 2/2021, doanh thu của công ty tăng 56,4% đạt 1.913 tỷ nhờ: 340 tỷ doanh thu từ khai thác khu bay và tổng lượng hành khách thông quan tăng 6,8% so với cùng kỳ, hầu hết là khách nội địa, trong khi các đường bay quốc tế vẫn đóng băng kể từ quý 2/2020. Lợi nhuận ròng hoạt động tài chính tăng 422,0% chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá 447 tỷ đồng do đồng Yên giảm giá so với VND trong quý 2/2021.

Sau khi công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của ACV, lợi nhuận ròng của công ty đã bốc hơi hơn 169 tỷ đồng (ảnh: Internet)

Sau khi công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của ACV, lợi nhuận ròng của công ty đã bốc hơi hơn 169 tỷ đồng (ảnh: Internet)

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 156,2% so với cùng kỳ do ACV ủng hộ quỹ vaccine COVID-19 theo ghi nhận 200 tỷ đồng. Qua đó, ACV đạt lợi ròng 413 tỷ trong quý này so với lỗ ròng 320 tỷ của cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của ACV tăng 3,8% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lợi nhuận ròng hoạt động tài chính tăng 163,5%. Hiện ACV đang có 33,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó hơn 90% là các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn. Điều này đã giúp ACV có khoản doanh thu tài chính dồi dào trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp điêu đứng.

Tuy nhiên, sau khi công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của ACV, lợi nhuận ròng của công ty đã bốc hơi hơn 169 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo tổng công ty cho biết, doanh thu sau soát xét giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV áp dụng hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh diễn ra từ 1/5. Trong khi đó, chi phí tài chính trên báo cáo hợp nhất 6 tháng biến động lớn do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Hàng không Việt Nam, vì công ty này phát hành cổ phiếu cho người lao động, dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV giảm xuống, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định.

Còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do ACV phải trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định của Bộ Tài chính.

Mặc dù phải điều chỉnh giảm lợi nhuận, nhưng lãi ròng của ACV vẫn ở mức rất cao, lên tới 1.200 tỷ đồng và không chênh lệch là bao so với cùng kỳ năm 2020.

Tại báo cáo tài chính soát xét, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh hai vấn đề của ACV như:

Thứ nhất, đến nay, ACV chưa nhận được quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, từ khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần vào ngày 31/3/2016.

Thứ hai, ACV đang quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (khu bay) do Nhà nước đầu tư. Các tài sản trên do Nhà nước quản lý, Bộ Giao thông Vận tải làm đại diện chủ sở hữu. Dù vậy, ACV vẫn ghi nhận doanh thu, chi phí từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, trong khi Bộ Giao thông Vận tải chưa ban hành quyết định bàn giao danh mục các tài sản trên cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ban lãnh đạo ACV cho biết đang làm việc với kiểm toán để loại bỏ ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo tài chính kiểm toán, điều này sẽ giúp ACV đủ điều kiện niêm yết trên HoSE trong năm 2022.

Nhiều thách thức nửa cuối năm

Mới đây, công ty chứng khoán VCSC đã điều chỉnh khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường với ACV và giảm 1,5% giá mục tiêu xuống 74.500 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu ACV dao động quanh mức 77.500 đồng/ cổ phiếu, tương ứng vốn hoá tới 168.713 tỷ đồng (nguồn: Vietstock)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu ACV dao động quanh mức 77.500 đồng/ cổ phiếu, tương ứng vốn hoá tới 168.713 tỷ đồng (nguồn: Vietstock)

Theo đó, trong 3 tháng qua, bất chấp những tác động từ dịch bệnh, ảnh hưởng đáng kể đến ngành hàng không của Việt Nam, thì cổ phiếu ACV vẫn tăng 15%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu ACV dao động quanh mức 77.500 đồng/ cổ phiếu, tương ứng vốn hoá tới 168.713 tỷ đồng.

Ngoài ra, ở ACV có nhiều yếu tố tác động tích cực hoặc rủi ro như vốn xây dựng cơ bản, mở rộng năng lực sân bay, việc tiêm chủng tại Việt Nam và các nước có khách du lịch lớn đến Việt Nam...”, VCSC lưu ý.

Còn theo đánh giá của công ty chứng khoán VNDirect, với tốc độ tiêm chủng vaccine gần đây và nguồn cung đang cải thiện, phần lớn dân số sẽ được tiêm đủ liều. Với các nỗ lực của Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh và việc tiêm chủng, đợt bùng phát hiện tại sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3 và các đường bay nội địa cũng như quốc tế của Việt Nam có thể dần phục hồi từ quý 4.

Mặc dù sản lượng khách thông quan nội địa/quốc tế của ACV có thể giảm so với cùng kỳ trong năm 2021. Tuy nhiên, ACV có thể phục hồi mạnh trong trung hạn, với ước tính sản lượng khách nội địa tăng 75,3% và khách quốc tế tăng 483,7% giai đoạn 2022-2023. Cùng với đó, ACV cũng có thể ghi nhận tăng trưởng cao khi Sân bay Quốc tế Long Thành đi vào vận hành.

VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan cho ACV với tiềm năng gồm: đường bay nội địa và quốc tế được nối lại sớm hơn dự kiến; Công bố kế hoạch cổ tức; và kế hoạch niêm yết trên sàn HSX được chấp thuận.

Tuy nhiên cũng không loại trừ rủi ro và các yếu tố bất lợi giai đoạn cuối năm như: dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến, đồng Yên mạnh hơn dự kiến và tiến độ xây dựng sân bay Long Thành chậm hơn dự kiến”, VNDirect cảnh báo.

DIỄM NGỌC