Sau tăng trần, VMD trắng bên mua khi Chủ tịch HĐQT bị khởi tố

NGUYỄN LONG 10/11/2021 16:30

Sau 4 phiên liên tiếp tăng trần cổ phiếu của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) đã quay đầu giảm còn 43.050 đồng/cp, giảm gần một nửa từ mức đỉnh đạt được hồi tháng 9.

Cắt đứt chuỗi đã tăng của VMD là do thông tin Chủ tịch HĐQT CTCP Y Dược phẩm Vimedimex bị khởi tố do sai phạm liên quan đến đất đai. Điều này diễn ra ngay sau khi Chứng khoán Hòa Bình (HBS), đăng ký mua vào 1,6 triệu cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư từ ngày 8/11-7/12/2021. Nếu hoàn tất giao dịch, Chứng khoán Hòa Bình sẽ nâng sở hữu tại Vimedimex lên 10,37% vốn và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Thông tin này là một phần động lực giúp VMD tăng trần trong thời gian qua, hiện VMD đang quay đầu nằm sàn “trắng bên mua”  giảm còn 43.050 đồng/cp, giảm gần một nửa từ mức đỉnh đạt được hồi tháng 9.

Biến động giá cổ phiếu VMD.

Biến động giá cổ phiếu VMD.

Mặc dù biến động giảm, nhưng những thông tin đã được công bố thì nhiều khả năng vụ việc không liên quan đến hoạt động của Vimedimex – vốn là công ty lớn nhất nhì cả nước trong lĩnh vực nhập khẩu thuốc với doanh thu lên đến gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Vimedimex trên thực tế là nhà nhập khẩu và phân phối dược phẩm nằm trong nhóm lớn nhất và giàu truyền thống của Việt Nam. Công ty được thành lập từ năm 1984, năm 2020 đạt quy mô doanh thu 18.168 tỷ đồng.

Đáng chú ý vào tháng 8 năm ngoái, Vimedimex đã chính thức sản xuất những viên thuốc đầu tiên tại nhà máy Vimedimex 2, chuyển từ công ty thuần phân phối sang tự sản xuất để phân phối thuốc. Việc mở rộng các xưởng sản xuất thuốc được Vimedimex liên tục lên kế hoạch cho đến cuối năm 2022.

Trong năm 2021, vào ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ VMD nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam. Trước đó, Vimedimex cũng trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners (thuộc UAE). VMD được ủy quyền là đơn vị nhập khẩu, phân phối, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vaccine COVID-19 Hayat-Vax đủ điều kiện sử dụng trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Điều này đã giúp VMD đạt đỉnh hồi tháng 9 với mức giá 82.400 đồng/cổ phiếu.

Đặc thù của ngành phân phối dược phẩm là biên lợi nhuận rất mỏng. Dù cho có doanh thu hàng trăm triệu cho đến tỷ đô, lợi nhuận của Vimedimex cũng như công ty nói trên chỉ lèo tèo vài chục cho đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Với Vimedimex, mặc dù lợi nhuận tăng liên tục trong các năm qua nhưng mức lãi trước thuế chỉ khoảng hơn 50 tỷ/năm là rất thấp so với quy mô doanh thu hơn 18.000 tỷ cũng như so với mặt bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp dược trong nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Vimedimex giảm mạnh từ 12.800 tỷ xuống còn 9.800 tỷ đồng – chỉ bằng một nửa so với kế hoạch năm. Tuy vậy lãi trước thuế chỉ giảm nhẹ từ 40 tỷ xuống 38 tỷ đồng.

Cuối tháng 9, Vimedimex đã ký hợp đồng vay vốn với tổng hạn mức tín dụng là 98,25 triệu USD để thanh toán các chi phí nhập khẩu vaccine Hayat – Vax và Spunik – V phòng COVID-19. Dư nợ tại 30/9 là 360 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, VMD được biết đến nhiều thông qua hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội với thương hiệu Vimefulland. Một số dự án điển hình của Vimefulland như shophouse Belleville Hà Nội, The Eden Rose, Bel Air Hà Nội, Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng, Annecy Garden…

Hiện tại, Vimedimex Group đang triển khai hai dự án là Helianthus Center Red River với diện tích 4,9 ha tại Đông Anh và The Jade Orchid diện tích 6,1 ha tại Bắc Từ Liêm. Nhiều dự án kể trên là do các thành viên của Vimedimex M&A hoặc liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Ấn Độ muốn thành lập “công viên dược phẩm” tại Việt Nam

    09:24, 31/07/2021

  • Khởi tố 2 ông chủ Công ty dược phẩm Sơn Minh để điều tra hành vi trốn thuế

    14:06, 03/06/2021

  • Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia “lập lờ đánh lận con đen”?

    16:40, 12/08/2021

NGUYỄN LONG