Một cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 100% sau chưa đầy năm lên HoSE
SeABank (HoSE: SSB) đã có một năm tăng trưởng thuận lợi khi chỉ sau 9 tháng 2021, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cùng với đó, cổ phiếu ngân hàng này đã đạt mức tăng hơn 100% trong năm qua.
>>> Cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng, áp lực hay cơ hội cho nhà đầu tư?
SSB lột xác giá trị và thanh khoản tại HoSE
Tuần qua, ông Lê Tuấn Anh, con trai của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank vừa thông báo đã bán thành công 2 triệu cổ phiếu SSB.
Giao dịch được thực hiện trong ngày 17/11 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch này, số cổ phiếu mà ông Tuấn Anh còn nắm giữ tại SeABank là gần 39,1 triệu đơn vị, tương ứng 2,64% vốn điều lệ của ngân hàng.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/11, giá cổ phiếu SSB dừng ở 36.850 đồng/cổ phiếu. Ước tính với giá trị này, ông Tuấn Anh thu về khoảng 73,7 tỷ đồng từ giao dịch trên. Đóng cửa thị trường phiên giao dịch ngày 19/11 ở mức 36.650 đồng/cổ phiếu, có sự biến động nhẹ.
Về biến động giá của cổ phiếu SSB, có thể thấy trước khi chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cổ phiếu SSB luôn giao dịch ở dưới mức giá niêm yết.
Cụ thể, khi niêm yết 1,2 tỷ cổ phiếu SSB lên HoSE vào ngày 24/3/2021, giá tham chiếu khi ấy là 16.800 đồng/cổ phiếu, trong khi trước đó trên sàn OTC, cổ phiếu SSB thường giao dịch ở khoảng 8.000 – 9.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng dần lên 12.000 – 13.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch SSB cũng kém sôi động. Như vậy so với mức giá chào sàn và hiện tại, cổ phiếu SSB đã tăng hơn 100% trong chưa đầy 1 năm niêm yết.
Về kết quả kinh doanh của SeABank, thu nhập lãi thuần quý 3 của SeABank đạt hơn 1.418 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020. Trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi thuần giảm gần 58%, đạt 15,6 tỷ đồng, các hoạt động ngoài lãi còn lại đều tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 2,5 lần; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,3 lần và lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 3,6 lần; tương ứng lần lượt đạt 343 tỷ đồng, 66,5 tỷ đồng và 53,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý 3, SeABank trích lập dự phòng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 380 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 175 tỷ đồng. Ngân hàng này báo lãi trước thuế trong kỳ đạt gần 974 tỷ đồng, cao gấp đôi mức thực hiện trong quý 3/2020.
Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của SeABank lần lượt đạt 3.848 tỷ đồng và 2.530 tỷ đồng, tương ứng tăng 85% và tăng gấp 2 lần 9 tháng năm 2020. Như vậy sau 9 tháng, SeABank đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
>>> Dự phòng nợ xấu khiến lợi nhuận ngân hàng phân hóa sâu
Đầu tháng 10/2021, SeAbank cho biết với sự chấp thuận của NHNN, ngân hàng này chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 13.425 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng: Ẩn số tác động
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) cho biết, trong ngắn hạn tác động lên ngành ngân hàng chưa lớn do tình hình hiện tại của ngành còn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra do tình hình dịch bệnh kéo, dẫn đến nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp hiện đang giảm, áp lực huy động vốn của ngân hàng không cao.
Tuy nhiên, về trung hạn, khi doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh từ quý IV nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp sẽ gia tăng trở lại, kéo theo áp lực huy động vốn cho ngành ngân hàng. Nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác làm tăng chi phí huy động vốn, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
"Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ở thời điểm cuối năm đâu đó nhóm này sẽ chịu một số áp lực do tình hình dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp sụt giảm, bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể tăng trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực lãi suất tăng sẽ không lớn ở thời điểm hiện tại và sẽ ít tác động quá nhiều lên lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng. Nhưng với đợt tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm phản ánh phần lớn triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2021, ở thời điểm hiện tại, tôi duy trì quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Hinh nói.
Còn theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng trong giai đoạn quý 4/2021 hay cả năm 2022 những thông tin liên quan đến việc tiếp tục trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, hay việc chuyển nhóm nợ từ nhóm 1, 2 sang các nhóm phía dưới có thể tác động chung đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng, áp lực hay cơ hội cho nhà đầu tư?
05:00, 12/11/2021
Áp lực đẩy lên nhóm cổ phiếu ngân hàng
16:02, 28/09/2021
TVSI - Nhà cung cấp dịch vụ Ngân hàng đầu tư sáng tạo nhất Việt Nam
10:59, 22/09/2021
Thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng
05:00, 16/09/2021