“Núi nợ” chèn ép DNP
Công ty CP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP), cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đang triển khai phát hành cổ phiếu để trả nợ.
>>>Doanh nghiệp chủ động ứng phó với siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, hỗ trợ tích cực cho DNP thực hiện kế hoạch này. Nhưng về dài hạn, cổ đông nhỏ lẻ vẫn trông vào năng lực kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiệt hại.
"Sóng" phát hành cổ phiếu trả nợ
Từ nhiều năm nay, phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, hoán đổi nợ, huy động vốn và trả nợ ngân hàng… đã trở thành một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đang trong bước đường khó khăn vì áp lực trả nợ.
Những vụ hoán đổi cổ phần, cấn trừ nợ thông qua phát hành cổ phiếu đã bù đắp cán cân tài chính nghiêng về nợ vay, cứu nhiều doanh nghiệp trong nhiều giai đoạn như Hoàng Quân, Quốc Cường Gia Lai, Gỗ Trường Thành, Tân Tạo… Gần đây, phương pháp này đã “cứu nguy” cho Vietnam Airlines, HAGL Agrico…
7.685 tỷ đồng là tổng số nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của DNP tính đến cuối tháng 9/2021.
Với thị trường chứng khoán dự báo sẽ còn tiếp tục sôi động quanh đỉnh 1.500 điểm, khi dòng tiền vẫn đang cuồn cuộn phấn khích đổ vào thị trường, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào kế hoạch phát hành cổ phiếu trả nợ trong quý IV/2021 sẽ suôn sẻ. Có thể điểm tên các đơn vị đang có kế hoạch này như Trung An (TAR), Cienco4 (C4G), Nhựa Đồng Nai (DNP)…
Rủi ro gia tăng
Trong nhóm này, DNP đã lên kế hoạch cũng như thời điểm giải ngân từ vốn huy động qua phát hành nhằm trả nợ cho VietinBank, BIDV và TienphongBank khá rõ ràng.
Đáng lưu ý, tính đến cuối tháng 9/2021, DNP có dư nợ vay thuê tài chính ngắn hạn tới 2.568 tỷ đồng (tăng hơn 800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 1.315 tỷ đồng, lên mức 5.117 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lên đến 7.685 tỷ đồng. Nợ vay chiếm một nửa tổng tài sản công ty (14.217 tỷ đồng) tương đương tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản = 0,5405 cho thấy tuy công ty chưa hoàn toàn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, song nếu không có giải pháp kiểm soát và nguồn đảm bảo khả năng thanh toán nợ (trong khi nợ tiếp tục tăng lên so với cùng kỳ), DNP có thể sẽ đối diện với khả năng linh hoạt tài chính kém đi và rủi ro tăng lên.
Chọn phát hành cổ phiếu trả nợ ngân hàng, theo đó cũng là một lựa chọn khả thi của công ty trong thời điểm cổ phiếu DNP đang trên đà song hành cùng diễn biến tích cực của thị trường.
Nỗi lo từ các hạt nhựa…
Vấn đề của DNP cũng như những doanh nghiệp chọn phát hành cổ phiếu để trả nợ vẫn là câu chuyện sau giảm nợ, xóa nợ, doanh nghiệp làm ăn ra sao để bù đắp việc vốn tăng, EPS pha loãng, cổ đông nhỏ thiệt hại?
Với DNP, với quy mô ngày càng phát triển thông qua lượng nhà máy nhựa, nước tăng lên, ở phía trước, ngắn hạn là sự đối mặt chi phí giá nguyên liệu – đầu vào các hạt nhựa vẫn đang không ngừng tăng; đi cùng là giá lưu kho, giá logistics… cũng cảnh báo sẽ tiếp tục tăng nếu dịch COVID-19 nặng nề thêm theo biến chủng mới Omicron. Còn dài hạn, câu chuyện về yếu tố phát triển bền vững của ngành nhựa đặt trong xu thế kinh tế xanh sẽ lên ngôi.
Dù vậy, điểm sáng của DNP lúc này vẫn là Công ty đã chốt room nhà đầu tư nước ngoài 50%, hứa hẹn có khả năng đã “chốt” được cổ đông ngoại mua cổ phần nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, qua đó trả bớt nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm