Xu hướng thị trường chứng khoán: Áp lực bán tiếp tục dâng cao
Sau phiên tiếp tục mất điểm hôm qua, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp khoảng 30 – 35% danh mục và chưa nên bắt đáy ở mức giá hiện tại...
>>> VN-Index có thể lùi về 1.420 điểm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm 29,74 điểm (-2,06%) xuống 1.413,58 điểm. HNX-Index giảm 13,42 điểm (-2,99%) xuống 435,85 điểm. UPCoM-Index giảm 2,92 điểm (-2,6%) xuống 109,19 điểm.
Thanh khoản thị trường chỉ giảm nhẹ so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.078 tỷ đồng, giảm 1,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 4% và đạt 35.834 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 300 tỷ đồng ở sàn HoSE.
VN-Index đã tiếp nối đà giảm sâu trong phiên chiều khi lực bán áp đảo ở hàng loạt các mã Large Cap như VCB, GAS, HPG, CTG… Trên đồ thị phân tích kỹ thuật, VN-Index tiếp tục tạo cây nến giảm dài, đồng thời đóng cửa dưới đường SMA 50 ngày.
Với HNX-Index, chỉ số này cũng lao dốc mạnh trước áp lực bán của thị trường chung. Tác động lớn đến chỉ số là các cổ phiếu THD, CEO, IDC.
Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1.380 – 1.400 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn còn ở mức cao và đà giảm ngắn hạn chưa có dấu hiệu kết thúc, đặc biệt khối lượng giao dịch tiếp tục gia tăng tại nhịp giảm điểm mạnh của thị trường cho thấy lực bán vẫn ở mức cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là chủ yếu giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp khoảng 30 – 35% danh mục và chưa nên bắt đáy ở mức giá hiện tại”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.
>>> VN-Index chinh phục đỉnh cao mới
CTCK KB Việt Nam (KBSV) phân tích: Nhịp giảm mạnh trong phiên cùng thanh khoản duy trì ở mức cao cho thấy hoạt động phân phối đang có phần lấn át. Mặc dù chỉ số có thể sẽ còn phải trải qua diễn biến rung lắc mạnh trong một vài phiên tới, vùng hỗ trợ gần quanh 1.390 điểm được kỳ vọng sẽ tạo điểm đỡ và giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục trở lại. “Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng một phần vị thế trading khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ đã đề cập nhưng cần linh hoạt bán cân đối lại vị thế trong kịch bản chỉ số hồi phục sớm”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, VN-Index vẫn chưa thể hồi phục trở lại và tiếp tục suy giảm. Chỉ số đã giảm dưới vùng đỉnh cũ trong tháng 7 là vùng 1.425 điểm và lùi về vùng hỗ trợ 1.400 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, thể hiện áp lực bán vẫn đang duy trì. Nhìn chung xu thế của thị trường vẫn đang trong vùng tiêu cực nhưng vùng hỗ trợ 1.400 điểm, vùng kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, sẽ có những tác động hỗ trợ và hồi phục cho chỉ số.
Cần đánh giá những tín hiệu hỗ trợ và hồi phục này để có cái nhìn rõ nét hơn về thị trường trong ngắn hạn. Mặc dù đang được hỗ trợ nhưng xu thế chung của thị trường vẫn yếu và rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, nên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng cho đến khi thị trường có tín hiệu cân bằng trở lại hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh. “Tạm thời vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn để tránh những biến động rủi ro trong ngắn hạn”, chuyên gia VDSC.
Tại báo cáo chiến lược thị trường tháng 12, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Reseach) đánh giá tại mức giá đóng cửa ngày 3/12, động lực tăng ngắn hạn cho VN-Index khá hạn chế nếu chỉ xét trên yếu tố lợi nhuận. Hệ số định giá P/E hiện tại (trượt 4 quý gần nhất) của VN-Index ghi nhận mức 17,1 lần ngang bằng mức P/E ước tính cho năm 2021 cho thấy triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chung trong quý IV đã chậm lại đáng kể so với các quý trước. Ước tính cho tăng trưởng lợi nhuận quý IV của nhóm doanh nghiệp thuộc 80% vốn hóa HoSE hiện tại đang ở mức 10,9% so với cùng kỳ.
Với nhóm ngân hàng, các mảng hoạt động chính dự báo sẽ tiếp tục có sự hồi phục tốt so với mức thấp của quý III/2021 do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, do nền tảng so sánh cao của quý IV/2020 nên mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của cả nhóm so với cùng kỳ sẽ chỉ ở mức thấp trước áp lực dự phòng vẫn còn tương đối lớn và quy mô dư nợ tái cơ cấu tăng lên. Mặc dù vậy, chủ đề tăng vốn vẫn được quan tâm và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ vẫn tương đối tốt ở một số mã ngân hàng riêng lẻ. Ở phần còn lại của thị trường, triển vọng tăng trưởng vượt trội hơn mặt bằng chung vẫn ghi nhận đáng kể ở một số ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa hoặc hoạt động xuất khẩu tăng mạnh như sắt thép, phân bón, đường, hóa chất, thủy sản hay cảng biển và logistics. Bên cạnh đó, tăng trưởng của các ngành chứng khoán và bán lẻ dự kiến cũng sẽ tích cực.
Cập nhật số liệu tháng 11 vẫn cho thấy bức tranh vĩ mô vẫn đang tạo điều kiện thuận lợi cho kênh chứng khoán với lạm phát đang được kiểm soát, tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng. Trọng tâm của tháng 12 sẽ là những thông tin chi tiết hơn về chương trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023 trong bối cảnh bức tranh vĩ mô quý 4 có thể gặp nhiều thách thức. Dòng tiền trên thị trường rất năng động có thể bám sát vào các yếu tố này để tìm kiếm cơ hội.
SSI Reseach đánh giá đây là giai đoạn thích hợp để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. P/E năm 2022 của nhóm doanh nghiệp đại diện khoảng 80% vốn hóa HoSE hiện đang ở mức 13,75 lần là mức rất hấp dẫn. Vì vậy, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, SSI Reseach nhận thấy đó là rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn nhưng lại là cơ hội rất tốt cho thị trường trong dài hạn khi các hãng dược lớn đều khẳng định họ có thể sản xuất vaccine mới trong vòng 3 tháng, làm giảm thiểu khả năng các đợt lock-down (phong tỏa) kéo dài trên diện rộng như trước đây.
Có thể bạn quan tâm
VN-Index có thể lùi về 1.420 điểm
05:00, 06/12/2021
SASCO “ngã ngựa”
16:00, 05/12/2021
“Núi nợ” chèn ép DNP
11:00, 05/12/2021