Lạc quan chứng khoán năm 2022
Dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2022, nhưng khó đạt mức tăng trưởng vượt trội như trong giai đoạn 2020-2021.
>>> Những kỷ lục của TTCK Việt Nam năm 2021
Dù VN-Index tăng 34% so với đầu năm nay (tính đến 14/12/2021), với việc EPS trượt bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX cũng tăng xấp xỉ 33%, nhưng P/E hiện tại của chỉ số này chỉ tăng nhẹ từ 17,25 lần cuối năm 2020 lên 17,4 lần hiện tại.
Dù mức định giá này của thị trường cao hơn đáng kể mức bình quân 2 năm gần nhất (với P/E quanh 16 lần), nhưng vẫn thấp hơn đáng kể các thị trường trong khu vực. Do đó, dư địa tăng điểm của TTCK Việt Nam năm 2022 là tương đối tốt.
Dù TTCK Việt Nam có triển vọng tích cực trong năm 2022, nhưng đối mặt với một số rủi ro, như lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước tăng, nợ xấu ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh, các NHTW trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng chậm và rủi ro vỡ nợ của Trung Quốc… Các rủi ro này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK.
Trong kịch bản cơ sở, thị trường sẽ trải qua nhiều nhịp biến động tăng/giảm đan xen trong năm 2022, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm 2022 khi các yếu tố thuận lợi/rủi ro dần định hình. Xu hướng tổng thể của thị trường là tăng thoải và VN-Index có thể đạt 1.725 điểm vào cuối năm 2022, tương ứng mức P/E 17,5 lần và EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết tăng 15,4% so với cùng kỳ.
>>> Làn sóng nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Các nhà đầu tư nên hướng tỷ trọng cao đến nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng, hưởng lợi từ bối cảnh thuận lợi của kinh tế vĩ mô, như sự phục hồi trong hoạt động chi tiêu, tiêu dùng trong nước, tăng trưởng xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút vốn FDI, xu hướng chuyển đổi số… Trong đó, nhà đầu tư nên đặc biệt chú ý đến tiềm năng ở cổ phiếu các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, dệt may, công nghệ thông tin và hạ tầng xây dựng.
Có thể bạn quan tâm