Dòng tiền trở lại với cổ phiếu thép
Sau gần nửa năm thờ ơ với cổ phiếu nhóm ngành thép, phiên giao dịch ngày 8/2, dòng tiền đã trở lại với nhóm ngành này. Vậy ngành thép có gì nổi trội?
Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử
Khép lại phiên giao dịch ngày 8/2, cổ phiếu thép tiếp tục tăng trần hết biên độ cho phép. Nhóm cổ phiếu này giao dịch bứt phá khi hầu hết các mã đều tăng mạnh như HPG tăng lên 45.000 đồng/cp; VGS tăng lên 33.000 đồng/cp; TVN tăng lên 15.000 đồng/cp, SMC tăng lên 37.450 đồng/cp; thậm chí NKG và HSG tăng hết biên độ 7% tại sàn HOSE. Tương tự nhóm thép nhỏ như POM, TLH, TIS cũng có thời điểm chạm giá trần, tuy nhiên áp lực chốt lời khiến các cổ phiếu không thể trụ vững tại mức giá cao nhất trong phiên.
Với những diễn biến đầu năm khá thuận lợi, các chuyên gia đều có chung nhận định cổ phiếu thép tiếp tục là nhóm ngành hút dòng tiền sau ngành ngân hàng, và những doanh nghiệp đầu ngành sẽ tiếp tục có những dấu ấn tăng trưởng.
Năm 2021 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu thép, phần lớn nhờ vào đóng góp từ dự án Dung Quất của Hòa Phát (HPG) với sản lượng 5,5 triệu tấn/năm. Năm 2022, Maybank kỳ vọng thị trường nội địa sẽ hồi phục 15-20% nhờ gói kích thích kinh tế giai đoạn 2022-2023, góp phần bù đắp sự chững lại ở thị trường xuất khẩu, trong khi sản lượng bán hàng lớn hơn sẽ phần nào bù đắp những tác động từ việc giá bán giảm.
Sau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp ngành thép đang phải đối mặt với những thách thức từ việc giá bán giảm, có thể sẽ kéo dài sang 2022 khi cung - cầu toàn cầu trở nên cân bằng hơn. Tuy nhiên, Maybank kỳ vọng nhu cầu cao hơn, đặc biệt là từ thị trường trong nước, sẽ giảm bớt tác động của giá giảm. Quan trọng hơn sự điều chỉnh gần đây của cổ phiếu ngành thép đã phản ánh những khó khăn của năm 2022.
Năm 2022, xu hướng giá hàng hóa sẽ biến động như thế nào?
Vì vậy, rủi ro giảm giá là thấp do hầu hết cổ phiếu ngành này đang giao dịch ở mức định giá thấp so với lịch sử. Bên cạnh những nút thắt về nguồn cung do các nước phát triển đồng loạt mở cửa trở lại và việc đóng cửa ở các nước đang phát triển, việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã tạo ra sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2021. Giá thép thô đã giảm 25% so với mức đỉnh khi sự mất cân bằng cung – cầu giảm dần và tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép các nước đang phát triển mở cửa trở lại rộng rãi hơn.
Bước sang năm 2022, dự đoán nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm lại và các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022. Do vậy, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc khi mua cổ phiếu thép ở vùng giá hiện tại.
Có thể bạn quan tâm