Sau “đòn giáng” của COVID-19, ACV lãi lỗ ra sao?
Lợi nhuận thấp của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (HoSE: ACV) trong năm 2021 là do cơ sở so sánh khá cao của quý 1/2020 và tác động nghiêm trọng từ dịch bệnh.
>>Đầu tư cổ phiếu hàng không, đón đà cất cánh?
Theo công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV), lợi nhuận thuần thuộc về cổ đông ACV là 200 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ, nhưng tăng mạnh so với mức lỗ 767 tỷ đồng trong quý 3/2021. Doanh thu hợp nhất quý 4 bao gồm tài sản khu bay là 960 tỷ đồng, giảm 54,2% so với cùng kỳ, nhưng tăng 159% so với quý trước.
Doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 lần lượt là 4.758 tỷ đồng, giảm 48,2% và 499 tỷ đồng giảm 69,7%. Công ty chứng khoán HSC đánh giá, doanh thu vượt 0,4%, trong khi lợi nhuận thuần thấp hơn 3,9% so với dự báo của HSC. Nguyên nhân được cho là do số lượng hành khách trong nước phục hồi sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài.
Cụ thể, trong quý 4/2021, ACV phục vụ 3.341.506 lượt hành khách trong nước, mặc dù giảm mạnh 80,8% so với cùng kỳ nhưng hồi phục mạnh 785,9% so với quý trước. Nhờ đó, số lượng hành khách trong nước của ACV trong cả năm 2021 là 29.554.855 hành khách, giảm 48,9%. Trong kỳ, ACV tiếp nhận 181.277 du khách quốc tế, giảm 46,3% so với cùng kỳ nhưng tăng 82,7% so với quý trước. Nhờ đó, ACV phục vụ tổng cộng 518.960 du khách quốc tế trong năm 2021, giảm 93%.
Điểm đáng lưu ý là, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã ra quyết định ngừng bán vé máy bay nội địa kể từ 30/8/2021 tới giữa tháng 10/2021 như một phần của các biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Chỉ sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách, các chuyến bay nội địa mới nhanh chóng hoạt động trở lại. Nhờ đó, doanh thu tài sản khu bay trong quý 4/2021 gồm phí cất cánh và hạ cánh là 278 tỷ đồng, giảm 32,4% so với cùng kỳ; doanh thu cốt lõi của ACV chủ yếu là dịch vụ hàng không và phi hàng không là 682 tỷ đồng, giảm 59,5%. So với quý trước, phí cất cánh và hạ cánh hồi phục mạnh từ mức nền thấp trong quý 3/2021 là 16 tỷ đồng, trong khi doanh thu khác của ACV tăng 92,5%.
Các chuyên gia từ HSC cũng cho biết, ACV tiếp tục lỗ gộp 63 tỷ đồng trong quý 4/2021, giảm từ lãi gộp 176 tỷ đồng trong quý 4/2020. Tuy nhiên, kết quả này là đáng khích lệ so với lỗ gộp 1.004 tỷ đồng trong quý 3/2021 nhờ các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng. Song, thu nhập tài chính của ACV rất cao, ở mức 959 tỷ đồng trong kỳ, tăng 74,4% so với cùng kỳ và 107% so với quý trước, với lãi từ chênh lệch tỷ giá 522 tỷ đồng. Có thể nói ông lớn hàng không "quản" hơn 20 cảng sân bay trên cả nước chủ yếu kinh doanh có lãi từ hơn 32.000 tỷ đồng tiền mặt gửi ngắn hạn tại ngân hàng, chiếm khoảng 60% tổng tài sản năm 2021.
Ngoài ra, chi phí tài chính giảm mạnh xuống 68 tỷ đồng, từ 254 tỷ đồng trong quý 4/2020 do không còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá 211 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lãi thuần từ hoạt động tài chính đạt 891 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và gấp đôi so với quý trước.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng 125% so với cùng kỳ lên 422 tỷ đồng, do chi phí quản lý tăng 155% so với cùng kỳ là 418 tỷ đồng, khi ACV trích lập dự phòng khoản phải thu quá hạn tổng cộng 349 tỷ đồng trong quý 4/2021 so với trích lập 27 tỷ đồng trong quý 4/2020. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng lại giảm mạnh xuống 4 tỷ đồng so với 23 tỷ đồng trong quý 4/2020 do đã hạch toán trước một vài chi phí trong 9 tháng đầu năm 2021.
>>Cổ phiếu hàng không: Còn nhiều dư địa tăng trưởng?
ACV hiện đang đẩy mạnh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tại ngày 31/12/2021, công ty ghi nhận 1.677 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong đó chiếm chính là 714 tỷ đồng cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV khẳng định, dù bị tác động bởi dịch bệnh, nhưng vốn của dự án sân bay Long Thành hoàn toàn không bị ảnh hưởng. ACV đang cố gắng hoàn thành dự án vào tháng 6/2025.
Còn theo công ty chứng khoán VCSC, lợi nhuận của ACV thấp trong năm 2021 chủ yếu do: Thứ nhất, cơ sở so sánh khá cao của quý 1/2020 khi Việt Nam chưa thực hiện các hạn chế đối với hàng khách hàng không quốc tế; Thứ hai, là tác động tiêu cực nghiêm trọng từ dịch COVID-19 đối với thị trường hàng không trong nước của Việt Nam vào quý 3/2021.
“Chúng tôi cho rằng, các chuyến bay quốc tế vẫn còn hạn chế dù Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm vào tháng 11/2021 để đón khách quốc tế. Nhưngchúng tôi nhận thấy, rủi ro giảm đối với dự báo cho ACV dù vẫn cần thêm đánh giá chi tiết”, VCSC cho biết.
Có thể thấy, ACV đã bắt đầu chào đón du khách quốc tế trở lại kể từ tháng 1/2022 khi Chính phủ Việt Nam cho phép các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và 9 địa điểm hoạt động trở lại kể từ thời điểm này (gồm San Rrancisco, Los Angeles, Singapore, Bankok, Vintiane, Phnom Penh, Tokyo, Seoul và Taipei). Việt Nam cũng nới lỏng các quy định cách ly đối với du khách đã tiêm chủng đầy đủ xuống 3 ngày tại nhà hoặc tại điểm cư trú, giảm từ quy định trước đây là cách ly 14 ngày tại khách sạn.
Ngoài ra, vào ngày 27/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã gỡ bỏ quy định phải cung cấp giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay đối với hành khách đi từ TP.HCM và Cần Thơ, chỉ những hành khách đi từ những vùng nguy cơ rất cao hoặc đang bị phong tỏa cần phải cung cấp kết quả xét nghiệm trước khi lên máy bay. Nhờ nới lỏng các quy định cách ly và xét nghiệm cùng với việc tăng số lượng chuyến bay đã tạo điều kiện để số lượng hành khách trong nước gia tăng.
“Những thay đổi về quy định cách ly và xét nghiệm trước khi bay được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các chuyến bay công tác cũng như du lịch. Qua đó, chúng tôi dự báo số lượng hành khách sẽ tăng đáng kể và theo đó sẽ thúc đẩy lợi nhuận của ACV trong năm 2022”, chuyên gia từ HSC nhận định.