Mở rộng đối tượng tham gia thị trường vốn
Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia vào thị trường vốn từ nhiều đối tượng, như các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức...
>>Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiến về đỉnh cũ
Giới hạn đối tượng tham gia thị trường
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF 2022) vừa qua, khi chia sẻ về các giải pháp thu hút đầu tư và phát triển thị trường vốn của Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Drangon Capital cho rằng, cần thể chế hoá và đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường vốn: Giống như bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm các định chế lớn, nâng cao mức độ quan tâm của họ và mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện. Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.
“Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác”, ông Dominic Scriven khuyến khích.
Vị Chủ tịch Dragon Capital cũng từng chia sẻ, các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam gần đây đã đạt được những thành công nhất định trong bán sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm, nhưng việc đầu tư chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ. Đây là loại hình tài sản đầu tư khá hạn chế và thường đem lại mức lợi tức không cao, đặc biệt khi tính tới yếu tố lạm phát hằng năm. Trong khi đó, quỹ hưu trí tự nguyện có thể được đầu tư vào nhiều loại tài sản, từ cổ phiếu đến cả bất động sản.
Dragon Capital cũng trở thành công ty quản lý quỹ đầu tiên nhận giấy phép “Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện”. Theo ông Dominic Scriven, việc lập thêm quỹ hưu trí sẽ giúp công ty mở rộng tầm nhìn từ tập trung hoàn toàn vào nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sang thực sự chú ý thị trường cơ sở.
Rõ ràng, các công ty quản lý quỹ đã và đang tích cực tiến vào lãnh địa quỹ hưu trí. Ông Bùi Sỹ Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) cũng chia sẻ, VCBF sẽ sớm ra mắt quỹ hưu trí và có những lợi thế thu hút riêng. Dù có những đường hướng riêng, nhưng ở buổi ban đầu, các quỹ hưu trí rất cần sự hỗ trợ về chính sách. Chẳng hạn, Chính phủ nên khuyến khích người lao động tham gia quỹ hưu trí bằng cách khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho toàn bộ phần đóng góp vào quỹ. Việt Nam có thể đưa ra quy định doanh nghiệp và người lao động có thể lựa chọn tham gia toàn bộ hoặc một phần Quỹ Bảo hiểm Xã hội, một phần vào quỹ hưu trí tự nguyện.
>>Kỳ vọng năm 2022: Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Những hạn chế và giải pháp khắc phục
Bên cạnh những đóng góp tích cực của Quỹ hưu trí tự nguyện đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, hoạt động này cũng đang gặp một số tồn tại, hạn chế đó là:
Thứ nhất, số lượng Quỹ hưu trí tự nguyện còn hạn chế, đặc biệt là các Quỹ hưu trí tự nguyện do đơn vị sử dụng lao động tạo lập cho người lao động, giới hạn lựa chọn của người lao động về các Quỹ hưu trí tự nguyện.
Thứ hai, cơ chế, chính sách về hoạt động của các Quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam còn chồng chéo, chưa thu hút, khuyến khích việc phát triển các mô hình Quỹ. Bên cạnh đó, các chương trình hưu trí tự nguyện của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với người lao động còn chưa phù hợp với thực tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có các chính sách thuế thu nhập liên quan tới phần thu nhập đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện nhằm khuyến khích người lao động tham gia tích luỹ tài chính thông qua các mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện khác nhau.
Thứ ba, mô hình đầu tư thông qua quỹ đầu tư nói chung và Quỹ hưu trí tự nguyện nói riêng chưa hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Điều này có thể hạn chế động lực tìm hiểu, tiếp cận, đầu tư vào Quỹ hưu trí tự nguyện dài hạn, cũng như tiềm năng phát triển Quỹ này tại Việt Nam.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò của Quỹ hưu trí tự nguyện đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, cần có một số giải pháp như:
Một là, có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện do các đơn vị sử dụng lao động tạo lập cho người lao động tại đơn vị.
Hai là, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam theo hướng ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đối với mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện thuộc doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng số lượng Quỹ hưu trí tự nguyện theo nhu cầu tham gia các sản phẩm của khách hàng. Như vậy, việc giải quyết bài toán về số lượng và quy mô của các Quỹ hưu trí tự nguyện thuộc quản lý của các công ty bảo hiểm, cần sự tham gia của các đối tượng trên thị trường.
Ba là, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động đầu tư của các Quỹ hưu trí. Trong đó, có quy định pháp lý về hoạt động đầu tư và phân bổ tài sản đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện trên thị trường chứng khoán.
Bốn là, có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích người lao động tham gia các Quỹ hưu trí tự nguyện, chủ động kế hoạch hoá tài chính cá nhân cho giai đoạn về hưu, qua đó, thúc đẩy mở rộng, phát triển các mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, cải thiện dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua Quỹ này.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiến về đỉnh cũ
04:50, 18/02/2022
Vốn ngoại dần quay lại trên thị trường chứng khoán
05:15, 14/02/2022
Xu hướng thị trường chứng khoán năm Nhâm Dần: Dòng tiền đầu tư có thể đi ngang
04:55, 07/02/2022
Kỳ vọng năm 2022: Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
04:30, 01/02/2022