Cổ phiếu nhóm phân bón “làm mưa làm gió” trên thị trường

DƯƠNG THUỲ 26/02/2022 04:00

Trong nhiều phiên giao dịch gần đây, bất chấp sự trồi sụt của nhiều nhóm ngành trên thị trường, cổ phiếu nhóm phân bón tiếp tục "làm mưa làm gió" về thanh khoản và giá trị…

Áp thuế suất 5%: Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu phân bón?

Cổ phiếu nhóm phân bón tiếp tục hút dòng tiền mạnh sau lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2021

Cổ phiếu nhóm phân bón tiếp tục hút dòng tiền mạnh sau lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2021

Thông tin lạm phát ở các quốc gia trên thế giới cộng với tình hình chiến sự tại Ukraine đã khiến nhóm cổ phiếu dầu và nhóm phân bón tiếp tục tăng lên vùng giá mới. Đây là vùng giá cao của nhóm phân bón trong vòng đầu năm 2022. Cổ phiếu DPM - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cán mốc 54.000 đồng/cp; DCM - CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau cán mốc 34.600 đồng/cp; DDV - Công ty Cổ phần DAP cán mốc 27.000 đồng/cp; LAS - Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cán mốc 21.000 đ/cp. Nhóm cổ phiếu này tiếp tục hút dòng tiền mạnh dù thị trường chứng khoán (TTCK) có những phiên chao đảo bởi thông tin chiến sự trên thế giới.

Với nhiều thông tin hỗ trợ, liệu cổ phiếu nhóm này có tiếp tục đà tăng trưởng?

Theo các chuyên gia, giá phân bón tăng mạnh vào đầu năm 2022 khiến giới đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục được hưởng lợi và có kết quả kinh doanh khả quan. Đầu tàu phải nói đến cổ phiếu DPM, báo cáo tài chính của DPM cho thấy, trong quý IV/2021, riêng doanh thu thuần đạt 5.086 tỷ đồng, tăng 163% so với quý 4/2020. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.668 tỷ đồng – gấp 16 lần so với số lãi hơn 104 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2020. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM năm 2021 lần lượt đạt 10.598 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 1.506 tỷ đồng, tăng 117,9%.

DCM cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng vọt so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý 4 đạt 3.907 tỷ đồng, tăng 72,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn chỉ 34%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.475 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 19,9% trong quý 4/2020 lên 37,8% quý 4 vừa qua. Kết quả, DCM lãi trước thuế 1.176 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.096 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với số lãi 207 tỷ đồng đạt được quý 4/2020.

DCM cho biết, doanh thu quý 4 vừa qua tăng do tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón trên toàn cầu, kết hợp với chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Nga, Trung Quốc dẫn đến giá bán phân bón trong nước tăng mạnh. Giá bán bình quân mặt hàng phân bón Ure TM quý 4/2021 tăng hơn 111% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó các yếu tố chi phí sản xuất, chi phí bán hàng đều tăng do biến động giá nguyên liệu đầu vào, kết hợp tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên nhờ diễn biến giá phân bón thuận lợi nên làm cho doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận của công ty tăng mạnh.

Lũy kế cả năm 2021 doanh thu DCM đạt 9.870 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2020. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ bán Ure chiếm tỷ trọng trên 72%, đạt 7.280 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa phân bón và bao bì đạt 1.679 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu bán NPK, Amoniac, các sản phẩm khác...

Với DDV, năm 2021 đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 2.480 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 68 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2021, với lợi nhuận trước thuế là 191,7 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành được vượt 182% kế hoạch trong năm.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của DDV tăng thêm 21,3% so với đầu năm lên hơn 1.852 tỷ đồng. Trong đó, cuối kỳ công ty có ghi nhận khoản tương đương tiền 255 tỷ đồng trong khi đầu kỳ không phát sinh (các khoản tiền gửi ngân hàng dưới 6 tháng); tồn kho đạt 511,2 tỷ đồng… 

Giá phân bón "chạm nóc", doanh nghiệp "than khó"

Nhận định về nhóm cổ phiếu phân bón, các chuyên gia cho rằng, việc giá phân bón tăng cao mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp trong năm 2021 có thể tạo áp lực tăng trưởng trong năm 2022. Hiện giá urê toàn cầu có thể vẫn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2022, khi tình trạng thiếu than ở Trung Quốc và việc thiếu khí đốt ở châu Âu như hiện nay vẫn gây khó khăn cho việc tăng sản lượng sản xuất. Do đó, giá urê có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong khi nửa cuối năm 2022 có thể giảm từ mức cao trong nửa cuối năm 2021 do các vấn đề thiếu than và khí đốt dần được giải quyết.

Dự báo từ  Ngân hàng Thế giới, cho thấy việc ngừng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ kéo dài đến ngày 22/6/2022. Trong khi đó, hạn ngạch xuất khẩu của Nga được áp dụng từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Do đó, xuất khẩu urê của các nước này sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022, do đó giá urê sẽ hạ nhiệt khi lượng cung ra thị trường nhiều hơn. Do vậy, nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu thuộc nhóm phân bón cân nhắc tình hình thực tế để có chiến lược đầu tư dài hay ngắn hạn. Nếu tình hình phân bón tiếp tục tăng giữ vị thế đầu tư dài hạn còn nếu cung trên thị trường phân bón bão hoà nhà đầu tư cân nhắc chốt lời cổ phiếu nhóm này, chuyên gia chứng khoán MSB khuyến nghị…

Có thể bạn quan tâm

  • Dòng tiền sôi sục chảy vào cổ phiếu nhóm dầu

    Dòng tiền sôi sục chảy vào cổ phiếu nhóm dầu

    17:30, 23/02/2022

  • Liệu cổ phiếu FPT có chinh phục đỉnh mới trong năm 2022?

    Liệu cổ phiếu FPT có chinh phục đỉnh mới trong năm 2022?

    11:11, 22/02/2022

  • Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ còn lực hút?

    Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ còn lực hút?

    04:50, 22/02/2022

DƯƠNG THUỲ