Không chịu tác động từ Nga, cổ phiếu ngân hàng Việt hồi phục mạnh

DƯƠNG THUỲ 04/03/2022 05:50

Cổ phiếu nhóm ngân hàng đã có phiên hồi phục, nhiều mã tăng điểm mạnh trong ngày 3/2 sau thông  tin ngân hàng Việt không bị tác động từ việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT...

Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?

Cổ phiếu HDB hồi phục mạnh từ vùng đáy lên 28.250 đồng/cp

Cổ phiếu HDB hồi phục mạnh từ vùng đáy lên 28.250 đồng/cp

Cổ phiếu HDB tăng lên 28.250 đồng/cp; MBB tăng lên 33.100 đồng/cp; ACB tăng lên 33,450 đồng/cp; TCB tăng lên 49.650 đồng/cổ phiếu… Trong khi phiên ngày 2/3 cổ phiếu nhóm này đỏ lửa dẫn đầu là CTG giảm 3,45%, STB giảm 3,22%, MBB giảm 3,24%, HDB giảm 2,98%, VPB giảm 2,78%, TCB giảm 1,79%, BID giảm 1,93%. May mắn là VCB mới giảm 0,59%.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng NHNN có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng thương mại liên quan đến tình hình quan hệ với Nga trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu nhóm này bị bán mạnh…

Liên quan đến tác động của lệnh trừng phạt các nước phương Tây đối với Nga và ảnh hưởng đến ngành ngân hàng VN hay không theo ông Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia tài chính Ngân hàng, việc đưa Nga ra khỏi SWIFT sẽ ít ảnh hưởng đến ngành ngân hàng toàn cầu và VN nói riêng. Với việc bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng và có thể thúc đẩy Nga tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.

Theo công bố chính thức của EU, 7 ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank). Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Hiện các ngân hàng có trong danh sách này được lựa chọn dựa trên mối quan hệ với Chính phủ Nga, trong đó các ngân hàng công đã chịu các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Đáng chú ý, danh sách trên không có hai ngân hàng lớn của Nga là Sberbank và Gazprombank, vì đây là những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga, mặt hàng mà các nước EU vẫn đang phải nhập khẩu bất chấp mâu thuẫn hiện tại.

Trước đó, ngày 26/2, EU, Mỹ, Anh và Canada đã quyết định chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi SWIFT, nhưng lúc đó các nước này không cho biết những ngân hàng nào bị ảnh hưởng.

SWIFT có khoảng 11.000 thành viên hiện cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển các hệ thống thay thế SWIFT. Trung Quốc vẫn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hệ thống Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS do nước này xây dựng, trong khi Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng của riêng mình là SPFS. Dù vậy, SWIFT vẫn được sử dụng cho khoảng 70% các giao dịch thanh toán trong nước Nga.

DƯƠNG THUỲ