Nhiều hãng vận chuyển từ chối thị trường Nga, TNG gặp rủi ro?

DƯƠNG THUỲ 08/03/2022 05:16

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp vận tải quốc tế từ chối chuyển hàng hoá tới Nga.

Kịch bản nào cho ngành dệt may năm 2022?

Nhiều hãng vận chuyển từ chối đơn hàng tới thị trường Nga của Công ty TNG

Nhiều hãng vận chuyển từ chối đơn hàng tới thị trường Nga của Công ty TNG

Điều này cũng khiến cho nhiều đơn hàng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã cổ phiếu TNG) và các doanh nghiệp làm ăn với thị trường Nga bị từ chối vận chuyển. Trong đó, bản thân TNG là doanh nghiệp trong ngành dệt may có quan hệ hợp tác trực tiếp với thị trường Nga.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG thông tin, TNG  đã ký với đối tác Nga mà cụ thể là Tập đoàn Sportmaster hợp đồng 12,5 triệu USD; Các lô hàng đã được Công ty  triển khai và hoàn thành. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự tại Ukraine-Nga khiến các nước phương Tây ra các lệnh trừng phạt và siết chặt việc làm ăn với thị trường Nga.

Theo đó, các hãng vận chuyển quốc tế đều từ chối nhận đơn hàng giao cho Nga. Theo ông Thời, cho đến nay  các lô hàng đến hạn giao cho khách hàng tại thị trường Nga vẫn chưa giao được do nhiều doanh nghiệp vận chuyển từ chối.

Không chỉ các doanh nghiệp vận chuyển mà hệ thống thanh toán quốc tế cũng từ chối khi có quan hệ thanh toán với thị trường Nga. Hiện nay hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng đã ngắt nối tới thị trường Nga. Do vậy không giao được hàng nên ngân hàng bao thanh toán cho TNG là HSBC cũng không thể  thanh toán cho doanh nghiệp, dẫn đến lượng hàng tồn kho của Công ty đến thời điểm này rất lớn. Chưa kể, nhiều nhà băng cũng không thể thanh toán cho các hợp đồng của TNG và nhiều doanh nghiệp có làm ăn với thị trường Nga thời gian tới…

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may

TNG mới công bố doanh thu trong tháng 2/2022, đạt 337,4 tỷ đồng, giảm 34% so với tháng 1/2022. Luỹ kế hai tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu TNG đạt xấp xỉ 852 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, TNG đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Theo đó trong cả năm 2021 doanh thu TNG đạt 5.444 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2020. Nhờ tiết giảm chi phí, nên lợi nhuận sau thuế cả năm của Công ty  đạt gần 233 tỷ đồng, tăng 51,6% so với số lãi gần 154 tỷ đồng đạt được năm 2020. 

Báo cáo nhận định về cổ phiếu TNG, Công ty Chứng khoán CTS cho rằng, TNG sẽ phát triển khi công ty đã chủ động được nguồn cung nguyên liệu phụ trội với việc đấy mạnh lắp đặt các dây chuyền sản xuất lớn, gia tăng năng lực gia công và bán hàng - tăng trưởng doanh thu 16% trong năm 2022. Triển vọng kinh doanh bất động sản thương mại và công nghiệp dự kiến sẽ mang lại mức tăng trưởng 1 - 4%/năm trong giai đoạn 2022-2025 cho TNG.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do, cụ thể EVFTA và CPTPP sẽ tạo động lực phát triển cho các công ty dệt may trong dài hạn; còn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp dệt may trong đó có TNG sẽ cần vượt qua nhiều thách thức để có thể được hưởng sâu các ưu đãi về thuế quan. Ngay khi Hiệp định thương mại có hiệu lực thì lộ trình cắt giảm thuế quan bắt đầu, kéo dài tối đa 7 năm đối với EVFTA và 10 năm với CPTPP. Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp dệt may rất khắc nghiệt, để được giảm hoặc miễn thuế sau khi kết thúc lộ trình này thì các doanh nghiệp cần xuất khẩu với mức thuế có FTA (hiện nay dao động 3-12%).

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chọn mức thuế suất GSP 9,6% như hiện nay vì lo ngại không đáp ứng quy tắc về xuất xứ - các doanh nghiệp phải đảm bảo từ giai đoạn dệt nhuộm và cắt may trở đi được hoàn thành ở các FTA. Đối với TNG, CTS nhận định đây không phải là trở ngại vì từ quý 4/2021 TNG đã chủ động nguồn cung phụ trội nội địa với việc lắp đặt hơn 07 dây chuyền bông, thêu, chần, thùng carton, túi PE, in, giặt lớn.

Ngoài ra, gần 100% nguyên liệu đầu vào của TNG nhập từ các doanh nghiệp trong nước như vải do Trường Thành, Formosa (nhà máy dệt Long An) sản xuất và bông. Chỉ một số nguyên phụ liệu được nhập từ Hàn Quốc. Từ đó, TNG có thể phát triển công nghiệp dệt may theo chiều sâu – đáp ứng cả ba công đoạn sợi, dệt nhuộm, cắt may của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt EVFTA và CPTPP.

Mới đây, nhóm cổ đông Korea Investment Securities vừa thực hiện giao dịch bán 2 triệu cổ phiếu TNG. Giao dịch thực hiện vào ngày 18/2, qua đó nhóm quỹ Hàn đã giảm mức sở hữu từ 7,01% xuống 4,85% vốn điều lệ. Theo đó, Korea Investment Securities không còn là cổ đông lớn tại TNG.

Trên thị trường phiên giao dịch phiên ngày 7/3 cổ phiếu TNG cán mốc 36.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch 3,6 triệu được khớp lệnh. 

Theo các chuyên gia, các đơn hàng không vận chuyển được tới thị trường Nga cũng sẽ tác động ngắn hạn đến giá cổ phiếu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của TNG. Do vậy, các nhà đầu tư cân nhắc khi mua và nắm giữ  TNG trong thời gian tới...

Có thể bạn quan tâm

  • TNG: Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi sức khỏe doanh nghiệp

    TNG: Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi sức khỏe doanh nghiệp

    05:00, 05/01/2022

  • TNG “khát vốn”

    TNG “khát vốn”

    11:30, 30/09/2020

  • Chủ tịch HĐQT TNG Holdings Vietnam nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

    Chủ tịch HĐQT TNG Holdings Vietnam nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

    09:00, 19/09/2020

  • Cổ phiếu TNG

    Cổ phiếu TNG "đỏ lửa" sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020

    16:15, 17/04/2020

DƯƠNG THUỲ