Thách thức nào cho thị trường chứng khoán năm 2022?

NGUYỄN LONG 15/03/2022 11:30

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2021 đi qua để lại bước phát triển lớn, nhưng sang năm 2022, thị trường sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn thách thức hơn.

>>>Sắc đỏ phủ thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần

Nhà đầu tư nên lưu ý những yếu tố nào tác động lên thị trường trong năm 2022?

Nhà đầu tư nên lưu ý những yếu tố nào tác động lên thị trường trong năm 2022? (Ảnh: Nguyễn Long).

Đối mặt những khó khăn

Chia sẻ tại tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN cho biết, bước sang 2022, tiếp tục là một năm vô cùng khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam. Thị trường chứng khoán năm nay đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm ngoái. Năm ngoái là yếu tố dịch bệnh thì năm nay không chỉ có dịch bệnh mà là cả địa chính trị nên thị trường sẽ có bước tăng giảm mạnh đan xen.

Dưới góc độ thị trường trong nước, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế, giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp tới chi phí hoạt động của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền dần dịch chuyển trở lại khu vực sản xuất kinh doanh, có thể thị trướng chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021.

bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN.

Vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các biến động thị trường thế giới. Trước khả năng diễn biến phức tạp của thị trường, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản sẽ chậm lại.

Theo nhận định IMF nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế. FED, Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất.

“Mặt bằng lãi suất tăng sẽ là lực cản với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, viễn cảnh tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.

Còn theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, năm 2022 chỉ ra rằng, có thể thấy giá nguyên liệu hàng hóa dầu tiêu chuẩn Brent, WTI, chỉ số hàng hóa nickel, đồng, sắt và giá xăng dầu, than…đồng loạt tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều giảm.

"Mối quan hệ liên thị trường là điều đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam Thêm nữa, lạm phát tại Mỹ, Châu Âu tăng mạnh trong 20-30 năm trở lại đây. Tôi lo ngại lạm phát ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý II/2022, quý III/2022.

“Các nhà đầu tư rất quan tâm tới động thái của FED. Chúng ta có thể thấy không có sự điều chỉnh lãi suất quá lớn, mà nhỏ giọt mỗi lần 0,25%, nhưng việc tăng lãi suất đều đặn từ 5-7 lần trong năm nay thì cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi”, ông Lưu Đức Khánh cho biết.

>>>Nhìn lại chứng khoán tuần qua: Chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào?

Cơ hội nào cho thị trường?

ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS

ng Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS.

Mặc dù còn nhiều khó khăn phải đối mặt, nhưng theo ông Lưu Đức Khánh, vẫn còn những mặt tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có thể thấy chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo – xuất khẩu, FDI tăng khá, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi.

Trong tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo VMARD, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD.

Năm 2022, câu chuyện đầu tư công sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về đà hồi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.

Về khối ngoại, cả năm 2021, chỉ mua ròng tháng 7. Đầu năm nay, họ tiếp tục bán mạnh và đã bán gần 7.900 tỷ đồng cả năm 2022 và bán ròng 4.823 tỷ đồng riêng tháng 3/2022.

“Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi đánh giá VN-Index đang ở pha điều chỉnh vùng 1.500 – 1.520 điểm đã kéo dài 2-3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 – 1.410 điểm”, ông Lưu Đức Khánh cho hay.

Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, Giám đốc VPS cho rằng điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào: “Trong năm tới, không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên”.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng trưởng

    05:15, 15/03/2022

  • Grab gặp khó tứ bề

    05:00, 15/03/2022

  • Sắc đỏ phủ thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần

    15:50, 14/03/2022

  • Sàn chứng khoán Nga tiếp tục đóng băng, tương lai nào cho thị trường?

    14:30, 14/03/2022

NGUYỄN LONG