Thép Việt Ý chính thức hủy niêm yết, khó khăn vẫn chồng chất

NGUYỄN LONG 23/03/2022 04:50

Theo thông tin từ HoSE, trong tháng 4 tới, cổ phiếu VIS của CTCP Thép Việt Ý sẽ bị hủy niêm yết. Việc hủy niêm yết đã được Việt Ý xin ý kiến cổ đông hồi đầu năm.

Ngược dòng ngành thép, VIS muốn hủy niêm yết để tìm cơ hội mới

Thép Việt Ý chính thức hủy niêm yết từ ngày 22/4.

Thép Việt Ý chính thức hủy niêm yết từ ngày 22/4.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu VIS của hãng thép Việt Ý từ ngày 22/04. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 21/04.

Trước thời điểm muốn hủy niêm yết, công ty đang có vốn điều lệ 738,3 tỷ đồng, tương ứng 73,8 triệu cổ phiếu đang niêm yết. Ngoài ra, tính tới 30/9/2021, hai cổ đông lớn của công ty là Kyoei Steel Ltd sở hữu 73,81% vốn điều lệ; CTCP Thương mại Thái Hưng sở hữu 20% vốn điều lệ và còn lại 6,19% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Việc hủy niêm yết đã được VIS đưa ra xin ý kiến cổ đông và được ĐHĐCĐ Thép Việt Ý thông qua từ ngày 18/1. Lý do xin hủy niêm yết được doanh nghiệp đưa ra tính tới 18/2/2021, cơ cấu cổ đông công ty có hai cổ đông lớn chiếm 93,81% vốn điều lệ và còn lại 6,19% vốn điều lệ thuộc về 1.463 cổ đông nhỏ.

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 32 luật Chứng khoán quy định: “Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ”. Chính vì vậy, công ty đã không đáp ứng điều kiện và trình cổ đông kế hoạch hủy tư cách công ty đại chúng, cùng với việc hủy niêm yết cổ phiếu.

Bên cạnh đó, quyết định hủy niêm yết cũng được đặt trong bối cảnh Thép Việt Ý ghi nhận nhiều năm lỗ đậm và giá cổ phiếu cũng đổ đèo từ 36.000 đồng/cổ phiếu (đầu năm 2018) xuống còn 16.000 đồng/cổ phiếu.

Biến động giá cổ phiếu VIS 6 tháng qua.

Biến động giá cổ phiếu VIS 6 tháng qua.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 của VIS là 73,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tại thời điểm 30/6/2021 là âm 441 tỷ đồng. Như vậy, công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị cảnh báo nên HOSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu VIS.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2021, VIS đạt 5.821,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với năm 2020, nhưng lỗ ròng 132,4 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 30 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản doanh nghiệp tăng 4% so với hồi đầu năm lên hơn 2.998 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 20%, lên gần 941 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 59%, lên 1.303 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả cũng tăng 11%, lên 2.602 tỷ đồng.

Về kế hoạch trong năm 2022, VIS cho biết về thuận lợi: Thứ nhất, giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số nước châu Âu tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này khiến giá thép dự báo sẽ có xu hướng tăng trong năm tới.

Thứ hai, nhiều dự án bất động sản đã bị hoãn lại do giãn cách xã hội từ năm trước sẽ nhanh chóng được triển khai để đáp ứng nhu cầu tiến độ đã đam kết với khách hàng. Đồng thời nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn sẽ được khởi công nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến vành đai… sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch COVID-19. Những tín hiệu tích cực từ đầu tư công và sự phục hồi ngành bất động sản trên toàn quốc sẽ giúp ngành thép tiếp tục sôi động trong năm 2022.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, còn một số khó khăn được Thép Việt Ý chỉ ra như: Mục tiêu giảm lượng cacbon của ngành thép đã làm cho nhiều khoản mục chi phí đầu vào của sản xuất thép tăng lên, là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới.

Cùng với đó, vấn đề môi trường ngày càng được các quốc gia coi trọng cũng là một khó khăn không nhỏ cho công tác nhập khẩu phế liệu đầu vào.

VIS cũng chỉ ra, Nghị định số 101/2001/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 30/12/2021) quy định giảm 5% - 10% thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng thép xây dựng và thép tôn mạ, buộc các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu thép nước ngoài.

Và quan trọng nhất, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép trong nước tiếp tục diễn ra gay gắt, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của VIS trong năm 2022 sẽ khó khăn chồng chất.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?

    11:00, 15/03/2022

  • Cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng trưởng

    05:15, 15/03/2022

  • Giá thép tăng vượt đỉnh, doanh nghiệp ngành thép làm ăn ra sao?

    12:45, 13/03/2022

NGUYỄN LONG