Cổ phiếu FECON tăng, lãnh đạo chốt lời
Cổ phiếu của CTCP FECON (MCK: FCN) đã tăng mạnh trong 1 năm qua và tranh thủ thời điểm này, lãnh đạo công ty đã thực hiện chốt lời.
>>Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
Tình hình kinh doanh của FECON trong năm qua có sự sụt giảm, nguyên nhân đến từ dịch bệnh cũng như giá vật liệu xây dựng tăng cao. Cụ thể, theo BCTC quý 4/2021, FCN ghi nhận doanh thu đạt 1.275 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt gần 185 tỷ đồng tăng 26% so với quý 4 năm ngoái.
Trong kỳ các chi phí đồng loạt tăng cao trong đó chi phí tài chính tăng gần 80% lên gần 48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 10%.
Kết quả, sau khi trừ các khoản chi phí FECON đạt gần 44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt 43,8 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2021, FECON ghi nhận doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện trong năm 2020, đáng chú ý đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua của FECON.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, FECON trong năm qua thực tế chưa đạt mục tiêu đề ra cả về doanh thu và lợi nhuận, việc doanh thu chỉ đạt 3.500/3.900 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý, chi phí tài chính không giảm được nhiều, đồng thời giá vật liệu 2021 tăng phi mã dẫn tới lợi nhuận không đạt mục tiêu 175 tỷ đồng. Làn sóng dịch COVID-19 trong nửa cuối 2021 đã làm cho ít nhất 04 tháng nhiều dự án của FECON không thể triển khai ra sản lượng và doanh thu, nhất là tại khu vực TPHCM, dẫn tới lợi nhuận không đạt mục tiêu đề ra.
Hai năm qua rất khó khăn không chỉ với FECON mà với hầu hết các doanh nghiệp xây dựng trên thị trường. Dịch bệnh dẫn đến nguồn việc trong ngành xây dựng ít khiến sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt, bão tăng giá vật liệu trong năm qua cũng gây thiệt hại nặng cho các nhà thầu xây dựng vì đã chót ký các hợp đồng trước thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng. “FECON dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng vẫn cố gắng đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh ở mức chấp nhận được”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc CTCP FECON cho biết.
Về giá cổ phiếu FCN, có thể thấy cổ phiếu này đã có một năm tăng trưởng tốt. Cách đây 1 năm, FCN đã tăng từ vùng quanh mốc 14.000 đồng/cổ phiếu lên 27.900 đồng/cổ phiếu (25/3). Chính trong giai đoạn tăng trong tháng 3 này, CTCP FECON đã bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 20,7 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn cuối năm 2021, hàng loạt lãnh đạo FCN cũng đã thực hiện chốt lời. Cụ thể, ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT FCN đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu thông qua khớp lệnh hoặc thoả thuận, thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 29/12 đến 27/1.
Trong cùng thời gian này, ông Phùng Tiến Trung, Thành viên HĐQT FCN cũng đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Bà Nguyễn Thị Nghiên, Giám đốc Tài chính cũng đăng ký bán toàn bộ 10.151 cổ phiếu FCN. Trong ngày 22/12, ông Nguyễn Song Thanh- Thành viên HĐQT cũng đã bán ra 30.000 cổ phiếu FCN thông qua phương thức khớp lệnh. Ông Nguyễn Văn Thanh- Tổng Giám đốc FECON cũng đăng ký bán 60.200 cổ phiếu để giảm sở hữu về mức 238.493 cổ phiếu.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Tổng Giám dốc CTCP FECON chia sẻ một kế hoạch nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh thu năm 2022 đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 175 tỷ đồng (tăng trưởng tương ứng 30% và 55% so với 2021).
FCN dự kiến sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp nặng, năng lượng và hạ tầng trong đó nhiều dự án sẽ tham gia với vai trò là Tổng thầu hay nhà thầu chính. Mục tiêu ký kết mới khoảng 6.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
Sàng lọc cổ phiếu
05:00, 26/03/2022
Tổng Giám đốc HDBank hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB
09:30, 22/03/2022
Tăng vốn điều lệ "khủng", cổ phiếu chứng khoán vẫn kỳ vọng tăng nhiệt
11:30, 21/03/2022
"Cân" tiềm năng và rủi ro của cổ phiếu liên quan "bão" giá hàng hóa
04:50, 21/03/2022