Những đại gia vướng vòng lao lý vì thao túng thị trường chứng khoán

DIỄM NGỌC 04/04/2022 04:50

Theo chuyên gia, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn uy tín, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng với những công ty được "mông má" để đẩy giá cổ phiếu lên cao theo kiểu "bán giấy lấy tiền" ăn chênh lệch.

>>Thao túng thị trường chứng khoán - khó xử lý hình sự

Trước khi những "lùm xùm" liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán xảy ra thời gian gần đây, đã có hàng loạt “đại gia” từng vướng vòng lao lý như bầu Kiên, ông Lê Văn Hướng, ông Lê Văn Dũng, hay bà Phan Thị Hinh,...

Đã có hàng loạt “đại gia” từng vướng vòng lao lý liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán

Đã có hàng loạt “đại gia” từng vướng vòng lao lý liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán

Những vụ án nổi bật

Thứ nhất, tháng 8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu - ACB bị bắt, để điều tra liên quan tới các sai phạm trong hoạt động kinh tế tại 3 công ty con do ông làm chủ tịch HĐQT. Cơ quan điều tra xác định, Thường trực Hội đồng Quản trị của ACB đã ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tạo ủy quyền cho ông Kiên trực tiếp làm. Chủ trương này được cho là trái quy định của Nhà nước khiến ACB bị thua lỗ gần 688 tỷ đồng.

Sự kiện bắt bầu Kiên đã gây chấn động trên thị trường tài chính ngân hàng thời điểm đó. Trên thị trường chứng khoán, hàng trăm cổ phiếu giảm sàn hết biên độ, thị trường hoảng loạn 3 phiên liên tiếp vào các ngày 21-22-23/8/2012, ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán bị thổi bay 6,5 tỷ USD chỉ trong mấy phiên giao dịch này. Ông Nguyễn Đức Kiên bị tòa phạt tổng cộng 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo; đồng phạm của ông lần lượt nhận các mức án từ 2-8 năm tù.

Thứ hai, là vụ Đại gia Lê Văn Hướng hồi giữa năm 2015. Ông Lê Văn Hướng sinh năm 1976, Nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) bị cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội khởi tố bị can về hành vi lừa dối khách hàng. Trước khi biến cố xảy ra, ông là một đại gia nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, với tài sản quy đổi lên tới 222 tỷ đồng.

Sau khi ông Lê Văn Hướng rơi vào vòng lao lý, hoạt động kinh doanh của công ty bị xáo trộn, ban lãnh đạo thay đổi liên tục, nhiều hợp đồng lớn bị ngưng, cổ phiếu bị bán tháo, ngân hàng xiết nợ, thêm vào đó là hàng trăm tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi bị biến thành những khoản phải thu có nguy cơ không thu hồi được. Tình hình này khiến JVC báo lỗ hơn 700 tỷ đồng trong năm tài chính 2015.

Thứ ba, là Chủ tịch Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng. Năm 2010, cổ phiếu DVD của công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông là một trong những hàng “hot” trên thị trường và có những chuỗi tăng điểm kéo dài, thanh khoản lớn, được các nhà đầu tư cực kỳ quan tâm. Tuy nhiên, sự việc đã nhanh chóng bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phơi bày, khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Dũng là người chủ mưu cùng một số người khác thao túng cổ phiếu, nhằm thâu tóm công ty Cổ phần dược phẩm Hà Tây (DHT). Đồng thời, ông Lê Văn Dũng cùng một số đối tượng lập ra nhiều công ty ma, cho người thân trong gia đình, bạn bè đứng tên làm lãnh đạo. Thực chất, mọi việc do ông Dũng chỉ đạo thực hiện để kinh doanh lòng vòng, làm giả các hợp đồng có giá trị lớn, cung cấp thông tin sai sự thật về danh thu của DVD nhằm thu hút nhà đầu tư. Cuối năm 2011, ông Lê Văn Dũng bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án 4 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Thứ tư, Đại gia Hà Văn Thắm, Tập đoàn Đại Dương, là cựu Chủ tịch tập đoàn Đại Dương Ocean Group, mã chứng khoán OGC và Chủ tịch Ocean Bank. Dưới thời ông Thắm lãnh đạo, OGC đã có hành trình tăng vốn chóng mặt. Thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, sau 6 năm, vốn tại OGC đã tăng tới 300 lần lên 3.000 tỷ đồng. Tháng 10/2014, ông Hà Văn Thắm bị bắt vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhiều biến cố sau đó, đặc biệt là việc Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, đã tác động đáng kể đến tình hình tài chính của ngân hàng này. Cũng kể từ khi ông Thắm bị bắt, cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh, một loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng.

Thứ năm, là nữ giám đốc công ty chứng khoán nhận 17 năm tù. Tháng 8/2020, bà Nguyễn Vân Giang, cựu Giám đốc công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) đã phải nhận 17 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù vì tội thao túng giá chứng khoán. Theo bản án của hội đồng xét xử tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2014, bà Lê kim Thu, mẹ ông Vũ Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CDO nhờ bà Giang đưa cổ phiếu CDO lên sàn niêm yết cổ phiếu và giao dịch.

Trong thời gian từ tháng 2/2015 – 12/2016, bà Giang đã dùng 70 tài khoản chứng khoán tạo giao dịch mua bán chéo giữa các tài khoản, nhằm đẩy giá cổ phiếu CDO. Do hành vi thao túng của nữ đại gia, cổ phiếu CDO giao dịch theo xu hướng liên tục tăng giá trong hai năm 2015 – 2016, sau đó đột ngột bị bán tháo với giá sàn, khiến cổ phiếu CDO bị mất thanh khoản gần như không có lệnh mua. Hành vi thao túng giá chứng khoán của bị cáo gây thiệt hại cho 572 nhà đầu tư, gồm 562 tài khoản nhà đầu tư đã bán hết khối lượng cổ phiếu CDO, gây thiệt hại 11 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Thứ sáu, nữ đại gia thao túng giá chứng khoán. Vào tháng 5/2020, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên Phạm Thị Hinh sinh năm 1975, cựu Chủ tịch HĐQT công ty Khoáng sản Bình Thuận (KSA), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM 18 tháng tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Bản án được xác định, năm 2015, bà Hinh thực hiện tăng vốn điều lệ công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,5 triệu cổ phiếu KSA, chào bán ra công chúng và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, lưu ký trên thị trường chứng khoán. Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp, lúc này bà Hinh chỉ đạo nhân viên lập 69 tài khoản để giao dịch chéo cổ phiếu KSA để tăng giá cổ phiếu và tăng tính thanh khoản. Tiếp đó, nữ đại gia bàn bạc cùng Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Trọng Hùng, nhân viên công ty Chứng khoán Maritime sử dụng các tài khoản liên tục bán chứng khoán KSA, nhằm tạo ra cung cầu giả trên thị trường chứng khoán đối với mã cổ phiếu này, để thu hút các nhà đầu tư.

Hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra từ ngày11/12/2015 đến ngày 8/7/2016, gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA, với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng và làm cho 3 công ty chứng khoán bị thiệt hại 761 triệu đồng.

>>Thị trường chứng khoán đang thay đổi ra sao?

Cẩn trọng với các cổ phiếu được “mông má”

Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có lãnh đạo kém uy tín, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng

Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có lãnh đạo kém uy tín, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng "mông má" để đẩy giá cổ phiếu lên cao

Bình luận xung quanh những câu chuyện trên, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam chia sẻ, vào những thời điểm đó có rất nhiều chuyện “thú vị” xảy ra. Ví dụ như tại DVD, một trong những chuyên trang tuyển dụng nổi tiếng của Việt Nam đăng tuyển một vị trí với những thông tin gây sốc, đó là công ty Dược Viễn Đông đăng tuyển Tổng giám đốc với mức lương khởi điểm là 50.000 USD/tháng, mà đầu những năm 2010, 50.000 USD là một con số tương đối “khủng khiếp”. Sau khi đánh bóng tên tuổi bằng những thương vụ như vậy, cuối cùng Chủ tịch công ty là ông Lê Văn Dũng bị bắt vì tội thao túng cổ phiếu DVD và sau này DVD rơi vào tình trạng phá sản.

Hay câu chuyện của nữ đại gia Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Thuận (KSA), vào khoảng năm 2014 – 2015, có một trang tin về chứng khoán đã đến tận địa chỉ công ty này, chụp ảnh và nói rằng, trụ sở của công ty là một ngôi nhà hoang, các dự án mà công ty đang làm thậm chí còn chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Nhưng ngày hôm sau, cũng trong ngôi nhà đó, có hình ảnh một bàn 6 người làm việc đã đưa lên nhằm phản pháo thông tin trên. Sau đó công ty đã phát hành 56,5 triệu cổ phiếu tương đương 565 tỷ đồng và sau này, theo kết quả điều tra, phần lớn cổ phiếu đó phát hành và không thành công, chỉ phát hành riêng lẻ cho các cá nhân và báo cáo tài chính của công ty cũng gần như không thể hiện việc thực sự vốn đã được góp... Những thông tin cũng đã được công bố bởi cơ quan điều tra.

Vị chuyên gia cũng cho biết, tội thao túng chứng khoán đã có trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam từ rất lâu và cũng có những trường hợp rất thú vị như đã kể trên.

Theo đó, Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "thao túng thị trường chứng khoán". Nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, có thể bị phạt lên đến 4 tỷ đồng hoặc phạt đến 7 năm tù giam...

TS Lê Đạt Chí, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM khuyến cáo, bên cạnh những doanh nghiệp bài bản, làm ăn uy tín, tăng trưởng bền vững, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với cổ phiếu của những doanh nghiệp có lãnh đạo kém uy tín, doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng "mông má" để đẩy giá cổ phiếu lên cao theo kiểu "bán giấy lấy tiền" ăn chênh lệch.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường chứng khoán đang thay đổi ra sao?

    05:00, 02/04/2022

  • Cách tiếp cận mới trong giám sát thị trường chứng khoán

    04:00, 31/03/2022

  • Phó Thủ tướng: Cần đảm bảo thị trường chứng khoán công khai, minh bạch

    04:00, 31/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn thị trường chứng khoán

    20:23, 30/03/2022

DIỄM NGỌC