Chuyển đổi số, giám sát online toàn diện để phát triển thị trường vốn
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát triển bền vững thị trường vốn thì phải có hệ thống giám sát online toàn diện, phát hiện, cảnh báo sớm, để không xảy ra tai nạn lớn.
>>Thao túng thị trường chứng khoán, lãnh đạo Louis Holdings bị khởi tố
Lắng nghe không gian mạng...
Thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng luôn được xem là cực kỳ nhạy cảm. Các tin đồn dù xấu hay tốt đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tới các tổ chức, cá nhân hứng chịu những tin đồn này, ngay cả một số đơn vị liên quan tới họ.
Về mục đích của việc tung tin đồn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét, phần lớn xuất phát từ hành động cố tình câu view gây biến động xã hội; nói xấu, trả thù trên mạng; các nhà đầu cơ tạo sóng cho các loại chứng khoán; hoặc mục đích để thâu tóm hay phá hoại thị trường. "Thị trường chứng khoán hiện đang có trên dưới 5 triệu tài khoản tham gia, trong đó có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Đây là một đặc tính và cũng là sự rủi ro của thị trường, cần loại trừ các can thiệp mang tính chất phi thị trường hay phá hoại của những kẻ đầu cơ, tung tin thất thiệt. Do đó, việc yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác là rất quan trọng".
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á cho rằng, tin đồn cũng có phân khúc riêng, có giá trị trục lợi đối với một số người. Trong khi nhiều thị trường của các nước phát triển được chi phối bởi các quỹ đầu tư (từ 50% tổng giá trị giao dịch hằng ngày) và khó bị ảnh hưởng bởi tin đồn, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại bị chi phối bởi nhóm nhà đầu tư cá nhân (từ 90 - 95% tổng giá trị giao dịch hằng ngày), đây cũng là nhóm dễ bị dao động bởi tin đồn.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, niềm tin, tâm lý thị trường quyết định sự ổn định thị trường vốn. Niềm tin của nhà đầu tư được phản ánh thông qua tỷ lệ tin tiêu cực về thị trường trên không gian mạng. Tỷ lệ này lại cơ bản phụ thuộc vào thông tin về thị trường trên không gian báo chí. Nếu báo chí viết quá lên thì cái quá lên này sẽ được khuếch đại trên không gian mạng và gây hoang mang, có thể dẫn đến nhà đầu tư rút vốn ồ ạt.
“Các thông tin của thị trường, của các nhà đầu tư, của người mua cổ phần, cổ phiếu, của người dân trên không gian mạng còn phản ánh những tiêu cực về thị trường vốn. Dùng mắt của người dân để nhìn thì có thể nhìn thấy mọi thứ. Dùng tai của người dân để nghe thì có thể nghe thấy mọi điều. Tai mắt của người dân hiện nay là trên không gian mạng. Lắng nghe không gian mạng là biết được cái hay, cái dở của chính sách, là biết được các hành vi tiêu cực. Các cơ quan quản lý nên phát triển các công cụ lắng nghe, giám sát này. Nếu chưa có thì có thể dùng công cụ của Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia đặt tại Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
>>Bộ Công an nhận định gì về các hành vi vi phạm trên thị trường vốn?
Giám sát online toàn diện
Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã xử lý, khởi tố bắt giam nhiều Facebooker, KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội)… đưa thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, thị trường tài chính, ngân hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc thao túng thông tin trên không gian mạng của một số KOL xuyên tạc cũng tạo ra các xu thế sai lệch trên không gian mạng, gây tâm lý hoang mang. Việc xử lý hình sự vừa qua đối với một số người đưa tin sai lệch, xấu độc đã giúp cho thông tin trên không gian mạng trở về đúng với thực tế. Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an xử lý hành chính và hình sự những trường hợp đưa thông tin sai lệch là cần thiết. Lúc cao điểm, thông tin tiêu cực về thị trường vốn là trên 35%, nay cơ bản là dưới 10%. Một phần là do các KOL xuyên tạc đã giảm đáng kể.
“Phát triển bền vững thì phải có hệ thống giám sát online toàn diện. Muốn phát triển nhanh thì phải nới lỏng quản lý, nới lỏng quản lý thì phải giám sát được, nếu không thì là buông lỏng quản lý. Giám sát online toàn diện, sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) thì mới có thể phát hiện sớm, cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm để không xảy ra tai nạn lớn. Chuyển đổi số là đưa mọi hoạt động lên môi trường số và vì vậy mà giám sát online được. Chuyển đổi số toàn diện thị trường vốn là việc cần làm ngay. Nhà quản lý kết nối với các đối tượng quản lý và cập nhật các thông tin quản lý để giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị.
Nêu ra giải pháp cho thực trạng này, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân kiến nghị rằng: Một là, phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay, nghiêm tất cả các vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả khâu công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đúng quy định.
Hai là, các vi phạm giao dịch xảy ra rất nhiều nhưng xử lý còn đơn giản, chưa có những cảnh báo cho thị trường và cộng đồng nhà đầu tư còn chậm, sợ ảnh hưởng đến bất ổn thị trường chứng khoán.
Ba là, cần xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cổ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi phát hiện những sai phạm, xử lý mạnh tay, dứt khoát, đồng thời công bố thông tin đại chúng để mọi nhà đầu tư được biết, không né tránh. Phạt tiền gấp nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá và cần sửa Nghị định 156.
Năm là, công bố thông tin cả tiếng Việt và Tiếng Anh để bảo đảm thông tin công bằng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Sáu là, cần có thông điệp mạnh mẽ về các vi phạm của Luật Chứng khoán, ai vi phạm thì sẽ bị phạt, bị phát hiện và bị xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Khởi tố lãnh đạo Công ty Trí Việt và Louis Holdings “Thao túng thị trường chứng khoán”
03:00, 21/04/2022
Thao túng thị trường chứng khoán, lãnh đạo Louis Holdings bị khởi tố
07:54, 21/04/2022
Những đại gia vướng vòng lao lý vì thao túng thị trường chứng khoán
04:50, 04/04/2022
Thao túng thị trường chứng khoán - khó xử lý hình sự
04:20, 20/12/2021