VN-Index lùi sâu, nhà đầu tư hoảng loạn?

NGUYỄN LONG 26/04/2022 04:38

Thị trường mở cửa tuần giao dịch với một phiên giảm mạnh phá vỡ mọi kỷ lục về điểm số đã thiết lập trước đó khiến nhà đầu tư đã chứng kiến một phiên giao dịch giảm sâu nhất trong 8 tháng qua.

Chuyển đổi số, giám sát online toàn diện để phát triển thị trường vốn

Nhà đầu tư đã chứng kiến một phiên giao dịch giảm sâu nhất trong 8 tháng qua.

Nhà đầu tư đã chứng kiến một phiên giao dịch giảm sâu nhất trong 8 tháng qua.

Tâm lý hoảng loạn

Phản ứng tích cực của phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước chỉ tạo ra trạng thái giao dịch cân bằng và phân hóa ngắn ngủi trong khoảng thời gian 9h-10h sáng ngày 25/4. Sau thời điểm đó các chỉ số bắt đầu đà giảm kéo dài với mức giảm mạnh tới hết phiên.

Khép lại thị trường ngày 25/4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 1.310,92 điểm – 68,31 điểm (-4,95%), VN30 đóng cửa ở 1.366,39 điểm – 77,93 điểm (-5,4%) với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước. Độ rộng thị trường ở mức tiêu cực với 7% cổ phiếu tăng; 4% cổ phiếu tham chiếu và 89% cổ phiếu giảm trong đó số lượng cổ phiếu giảm sàn chiếm số lượng lớn.

Đà giảm của VN-Index trong 1 tháng qua.

Đà giảm của VN-Index trong 1 tháng qua.

Theo chuyên gia CTCK Tân Việt (TVSI) ông Nguyễn Trung Du, phiên giảm mạnh hôm 25/4 với thanh khoản thấp cho thấy lực cầu rất yếu và tâm lý các thành phần tham gia thị trường khá hoảng loạn bán tháo bằng mọi giá.

Các cổ phiếu từ nhiều nhóm ngành, nhiều nhóm vốn hóa đều chịu chung áp lực giảm mạnh trong đó có nhiều cổ phiếu Bluechips có kết quả kinh doanh quý 1 tích cực cũng giảm sàn.

Bên cạnh đó, đà giảm của thị trường Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng từ mức giảm điểm mạnh của hầu hết các thị trường chứng khoán quốc tế sau các thông tin về khả năng đẩy mạnh tăng lãi suất của FED trong cuộc họp tháng 5 tới.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần thay đổi về “chất”

Nhà đầu tư nên làm gì?

“Theo chúng tôi mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng theo đám đông”, ông Nguyễn Trung Du cho biết.

Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, chuyên gia TVSI cho biết: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư ngắn hạn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn ủng hộ qua điểm chọn lọc mua vào gia tăng trạng thái cổ phiếu với các nhà đầu tư theo mục tiêu đầu tư trung và dài hạn”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật khi chỉ số VN-Index giảm về mức hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm và vùng đáy cuối tháng 08/2021. Đồng thời, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có khả năng xác lập vùng đáy ngắn hạn.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế bán tháo tại các nhịp giảm hoặc ưu tiên đưa tỷ lệ margin về mức thấp để tránh bị tình trạng giải chấp trong thời điểm mức P/E TTM của chỉ số VN-Index đang ở mức 14.7x”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Áp lực margin

Dư nợ vay margin vẫn ghi nhận ở mức kỉ lục mặc dù đã chậm lại. Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3 vẫn tiếp tục tăng mạnh (28%) so tháng 2. Điều này cho thấy rằng, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường chứng khoán và dòng tiền lớn vẫn đang đợi chờ quay trở lại khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp phát triển tốt có mức chiết khấu hấp dẫn. Không những vậy, việc khối ngoại liên tục mua ròng các phiên gần đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được đánh giá có triển vọng và đáng được cân nhắc đầu tư.

Tuy nhiên, các phiên giảm điểm mạnh liên tiếp vừa qua dẫn tới hiện tượng call margin (chủ yếu là bán ra cổ phiếu để có tiền bổ sung vào tài khoản nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định) và tạo thêm áp lực bán lên thị trường vốn đã trong trạng thái tâm lý yếu, khiến thị trường bị bán mạnh, đặc biệt về cuối phiên giao dịch.

Đồng quan điểm, CTCK MB (MBS) cho rằng, chuỗi giảm liên tiếp của thị trường với cả trăm cổ phiếu ở mức giá sàn có thể là hiện tượng giải chấp cổ phiếu (công ty chứng khoán bán cổ phiếu của nhà đầu tư trong trường hợp không kịp bổ sung tiền ký quỹ).

Có thể bạn quan tâm

  • Hana Financial Investment - HFI ký kết thành công mua 35% cổ phần BSI

    15:48, 25/04/2022

  • Ông Đỗ Thành Nhân đã thao túng chứng khoán, "lái" cổ phiếu "họ Louis" lên đỉnh ra sao?

    15:30, 25/04/2022

  • Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần thay đổi về “chất”

    05:30, 25/04/2022

  • Chuyển đổi số, giám sát online toàn diện để phát triển thị trường vốn

    05:00, 24/04/2022

NGUYỄN LONG