Vì sao SSN mất khả năng thanh toán?
Như DĐDN đưa tin, Công ty cổ phần XNK Thuỷ sản Sài Gòn - SSN mất khả năng thanh toán khiến tòa án đã phải mở thủ tục phá sản. Vậy chủ nợ lớn của SSN là những ai?
Cổ phiếu SSN nằm sàn sau thông tin bắt buộc phá sản
Dự án Centa Park -Trung tâm Thương mại và căn hộ do SSN làm chủ đầu tư dự án này được chi tới 1.854 tỷ đồng chi phí marketing (Theo thuyết minh báo cáo tài chính quí 1/2022)
Báo cáo tài chính quý 1/2022, cho thấy SSN ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.766 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác tăng mạnh nên SSN này chỉ thu về vỏn vẹn 21 triệu đồng lãi ròng, giảm 89%. Tại thời điểm 31/03/2022, tổng tài sản của SSN ghi nhận hơn 1.086 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng lên hơn 634 tỷ đồng. Nợ vay đã vượt vốn chủ sở hữu, ghi nhận 634/452 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Thái Dương, việc Toà án thông báo SSN phá sản khi thỏa mãn đồng thời hai điều kiện:
Thứ nhất, SSN đã mất khả năng thanh toán; Thứ hai, doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Doanh nghiệp được coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp đã không thể thực hiện khả năng thanh toán trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ theo quy định của Luật Phá sản 2014 là SSN đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh ra quyết định tuyên bố mở thủ tục phá sản.
Các chủ nợ của SSN vì vậy cũng đã lộ diện.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính, các chủ nợ ngắn hạn cũng như dài hạn của của SSN là Công ty TNHH TMDV ĐT TM Quang Trung Sài Gòn SSN nợ 3,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Hoàng Đạo 30 tỷ đồng, Công ty TMDV Bắc Việt Chung 2,7 tỷ đồng, cơ sở kinh doanh Lê Thị Chiêu 4,6 tỷ đồng và hàng loạt các công ty, doanh nghiệp khác…
Đáng chú ý là khoản nhận góp vốn Hợp đồng hợp tác kinh doanh liên quan đến dự án Centa Park 678 Âu Cơ, Quận Tân Bình (TP HCM) hơn 500 tỷ đồng. Được biết, theo hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần TMDV và Xây dựng, SSN sẽ góp vốn bằng quyền đầu tư dự án và các hạng mục công trình với giá trị tạm tính 500 tỷ đồng, Công ty CO+ và Xây dựng góp vốn bằng tiền 500 tỷ đồng. Các bên được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ dự án theo tỷ lệ góp vốn dự án. Khoản góp vốn của Công ty CO 500 tỷ đồng nhiều khả năng là chủ nợ lớn nhất của SSN đến thời điểm này…
Việc SSN mất khả năng thanh toán theo nhiều chuyên gia do nguyên nhân đến từ dự án Centa Park tại 678 Âu Cơ.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính cho kỳ kế toán kết thúc 30/3/2022, chi phí ngắn hạn chi phí môi giới cho riêng dự án marketing dự án Cent Park 1.854 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM 1.939 tỷ đồng, Cty CP giống gia cầm TP HCM là 2981 tỷ đồng; chi phí lãi vay 950 triệu đồng…
SSN, đơn vị tiền thân là DNNN, được thành lập ngày 31/03/1993 với tên gọi Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TPHCM. Đơn vị chuyển thành Công ty Cổ phần năm 2006 với vốn điều lệ là 96 tỷ đồng. Tháng 12 năm 2006, SSN được chính thức thành lập với vốn điều lệ là 96 tỷ đồng.
Trước đây, hoạt động kinh doanh của công ty tập trung vào kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Từ năm 2011, công ty mở rộng sang các mặt hàng nông sản, hàng hóa sắt thép, vật tư, hạt nhựa… Từ đó, hoạt động kinh doanh có xu hướng đi xuống do cạnh tranh gay gắt đẩy giá trị xuất nhập khẩu giảm mạnh.
Kết thúc năm 2012, công ty ghi nhận khoản lỗ 23,63 tỷ đồng do trích lập nợ phải thu khó đòi, nợ vay lên tới gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu. Nguồn tiền mặt cạn kiệt khiến công ty gặp khó khăn trong kinh doanh. Năm 2013, công ty tiếp tục ghi nhận số lỗ 12,67 tỷ đồng. Kể từ tháng 4 năm 2014, sau khi Nhà nước đã thoái vốn thành công, SSN đã có những bước tái cơ cấu nhằm làm giảm nợ vay ngân hàng, lành mạnh hóa tài chính. Đến hết năm 2015, công ty đã hoàn trả toàn bộ nợ vay ngân hàng.
Năm 2015, Ban lãnh đạo công ty đã thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm khai thác nguồn quỹ đất đang quản lý. Tháng 11 năm 2015, SSN đã tăng vốn từ 96 tỷ đồng lên 396 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ. Có nhiều ý kiến cho rằng viêc chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản (BĐS) là nguyên nhân chính dẫn đến phá sản của doanh nghiệp này.
Căn cứ theo Luật Phá sản 2014, những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định như sau : Theo Điều 5, Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. Ngoài ra, khi thủ tục phá sản được mở, Tòa án sẽ yêu cầu họp hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ có thể đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi kinh doanh đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (điểm b, khoản 1, điều 83)… |