KBC xoay xở dòng tiền
Với dòng tiền đầu tư, kinh doanh luôn thiếu trước hụt sau, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã phải liên tục phát hành cổ phiếu,
trái phiếu để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.
>> KBC gặp khó tại các dự án hạ tầng khu công nghiệp
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 theo hướng siết chặt phát hành trái phiếu, sẽ đặt ra nhiều thách thức cho KBC.
Tiềm ẩn rủi ro kinh doanh
KBC vừa công bố BCTC quý 1/2022 với doanh thu thuần giảm 65,5% so với cùng kỳ, xuống gần 692 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm đến 82%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng hơn 67% lên 70 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 53%. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44%. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KBC "bốc hơi" đến 92% xuống chỉ còn 71 tỷ đồng.
Đáng chú ý, KBC ghi nhận khoản thu nhập khác tăng đột biến gần 500 tỷ đồng trong quý 1/2022. Theo thuyết minh, đây là khoản chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh (lãi từ giao dịch mua rẻ). Nhờ đó, KBC lãi ròng hơn 523 tỷ đồng. Điều này cho thấy lãi của KBC đến từ mảng ngoài kinh doanh như chứng khoán và các thương vụ khác.
KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 4.500 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,3 lần và 4,7 lần năm trước. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong quý đầu năm, công ty mới thực hiện được 7% kế hoạch doanh thu và gần 12% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
71 tỷ đồng là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 1 của KBC, giảm 92% so với cùng kỳ 2021.
Chật vật vốn cho các dự án
Theo BCTC quý 1/2022, KBC đang âm dòng tiền thuần vào hoạt động sản xuất kinh doanh gần 30 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp này cũng âm dòng tiền thuần sử dụng cho đầu tư hơn 102 tỷ đồng.
Năm 2022, KBC dự kiến sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và các dự án mới thành lập tại Hưng Yên, Long An, Hải Dương, Tiền Giang… và bổ sung nguốn vốn kinh doanh cho Công ty thông qua vay tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu,...
Để huy động nguồn vốn cho các dự án, KBC đã thông qua ĐHĐCĐ chuẩn bị chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động 1.500 tỷ đồng, tương đương 26,33% tổng số cổ phiếu lưu hành.
Ngoài ra, KBC cũng là doanh nghiệp điển hình trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với nhiều đợt huy động với quy mô lớn, nhất là lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 1.000 tỷ đồng mới đây có thời hạn 24 tháng (từ 3/6/2021-3/6/2023), với lãi suất cố định 10,5%/năm.
Không riêng gì KBC mà thời gian qua, nhiều công ty bất động sản cũng đã ồ ạt phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm huy động vốn. Điều này được giới chuyên gia cảnh báo là rất rủi ro cho doanh nghiệp nói chung và thị trường tài chính nói chung.
Trong dự thảo lần 5 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 có nhiều quy định siết chặt phát hành trái phiếu, như tổng dư nợ vay trái phiếu tại thời điểm phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có lãi và không có lỗ lũy kế theo BCTC được kiểm toán về tài sản đảm bảo (TSĐB) với trái phiếu; siết chặt quy định về TSĐB… Điều này sẽ là thách thức lớn đối với KBC nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trong việc phát hành trái phiếu.
Có thể bạn quan tâm
OCB triển khai gói ưu đãi toàn diện cho khách hàng FDI tại khu công nghiệp
04:50, 18/04/2022
Minh bạch giá cho thuê đất khu công nghiệp
04:00, 26/03/2022
Doanh nghiệp Cao su và Bất động sản khu công nghiệp nương tựa nhau ra sao?
05:00, 25/03/2022
Đầu tư công, trợ lực cho thị trường bất động sản khu công nghiệp
11:00, 28/02/2022