Cổ phiếu nào hưởng lợi khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế?
Theo chuyên gia từ CTCK Yuanta Việt Nam, sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xuất nhập khẩu, dệt may, vận tải, nông nghiệp,... của Việt Nam sẽ ít nhiều hưởng lợi.
>>Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”
Kỳ vọng sau mở cửa
Theo phân tích của nhóm chuyên gia tại CTCK Yuanta Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế từ ngày 1/6 ở một số thành phố lớn, cũng như các hoạt động sản xuất của nhiều công ty đã được khơi thông.
Giai đoạn vừa qua, số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh, nên Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, trong khi không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước phương Tây gần như coi đây là một bệnh đặc hữu. Chính sự kiên định này, đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Trung Quốc và đến nay mới bắt đầu thích nghi hơn để mở cửa trở lại. Động thái này đón nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam, khi Việt Nam là một nước có tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc rất lớn.
Qua đánh giá, bà Lý Thị Hiền, Trưởng phòng Phân tích Cấp cao tại Yuanta Việt Nam cho biết, nhìn vào mức độ ảnh hưởng của các đợt phong tỏa tại Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua cho thấy, chỉ số PMI của nước này trong tháng 4 đã rơi về vùng rất thấp (47 điểm), thể hiện kỳ vọng của các nhà quản trị, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tình hình sản xuất cực kỳ thấp. Chỉ số giá cước vận tải hàng không, đường biển cũng giảm mạnh khi Trung Quốc đẩy mạnh phong tỏa, giá thuê một container 40 feet đã giảm khoảng 17% từ mức đầu tháng 3/2022.
Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn cung xuất khẩu của cả thế giới như dệt may, gốm, nội thất, xi măng. Còn các mặt hàng nhập khẩu gồm sắt thép, kim loại, thực phẩm, giấy và một số loại dệt may.
Năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm xuống mức 20% từ mức 28% năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng này giảm xuống 12% do đợt phong tỏa diễn ra. Cùng với đó, nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng giảm dần trong năm 2021, đây là điểm khá tích cực, đặc biệt 4 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng này đã giảm xuống 25%.
“Sau khi mở cửa, các ngành nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc kỳ vọng sẽ phục hồi tốt như dệt may và sản xuất đồ nhựa. Tuy nhiên các ngành sẽ bị cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc là các doanh nghiệp bán hàng trong nước như gốm, nội thất, sắp thép, hóa chất, phân bón. Còn các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Trung Quốc kỳ vọng sẽ hồi phục đầu ra như bông, sợi, cao su, nông sản và gỗ”, bà Hiền bình luận.
>>Xuất nhập khẩu hướng tới kỷ lục mới
Cổ phiếu nào hưởng lợi?
Nhận định về những cổ phiếu được hưởng lợi khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, ông Khổng Hữu Hiệp, Chuyên viên phân tích cao cấp tại Yuanta Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu có thể được hưởng lợi như cổ phiếu MSH (CTCP May Sông Hồng). Theo đó, trong quý 1/2022, doanh thu của MSH giảm do ảnh hưởng từ giá vải sợi tăng và cũng là do thiếu nguồn cung từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, trong quý 2, MSH mặc dù chưa cải thiện được đáng kể biên lợi nhuận, do Trung Quốc mới mở cửa gần đây, nhưng chúng ta có thể kỳ vọng vào quý 3 sẽ có sự tăng trưởng trở lại, khi 50% các nguyên vật liệu hồi phục.
“Đối với nhóm ngành vận tải, chúng tôi đề xuất hai cổ phiếu HAH (CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải AN) và SGP (CTCP Cảng Sài Gòn). Với HAH, khi giá thuê container tăng trở lại thì HAH sẽ được hưởng lợi một phần. Ngoài ra, cũng có những tàu mới bắt đầu mua từ cuối năm 2021 và sắp tới trong khoảng tháng 5, tháng 6 này sẽ tiếp tục có kế hoạch mua thêm tàu mới nữa. Khi giá cước vận tải tăng trở lại, HAH sẽ hưởng lợi từ cả hai yếu tố đó.
Với SGP, gần đây xuất nhập khẩu tuy chậm lại, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng tích cực. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp cảng và giá dịch vụ cảng cũng tăng khoảng 50% từ đầu năm tới nay, điều đó sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận đầu vào của SGP.
Ngoài ra, HAH có một lượng lớn hàng vận chuyển sắp thép đi qua cảng của SGP, mà năm 2021, phí bốc dỡ hàng hóa khá cao, nên khi xuất nhập khẩu sắt thép gia tăng trở lại sẽ góp phần tăng phí dịch vụ cao hơn trong tổng phí bốc dỡ hàng hóa của SGP. Bên cạnh đó, sẽ có cảng mới dự kiến ở TP Thủ Đức thay thế cho cảng hiện tại trong quận 4, TP HCM đã xuống cấp”, ông Hiệp phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ có hai nhóm ngành là cao su và nông nghiệp. Trong đó, cổ phiếu PHR (CTCP Cao su Phước Hoà) và DPR (CTCP cao su Đồng Phú) bên cạnh việc giá cao su tăng cao, còn được đền bù đất Khu công nghiệp cho đất cao su hiện tại. Ngoài ra, cũng có thêm những động lực khác cho giá cổ phiếu trong tương lai xa hơn. Nếu chỉ chọn những doanh nghiệp có một yếu tố duy nhất hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa thì động lực tăng giá sẽ không mạnh.
“Riêng với cổ phiếu PAN (CTCP Tập đoàn PAN) trong lĩnh vực nông nghiệp có nông - thủy sản và cả sản xuất thực phẩm nông sản. PAN là một trong số ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sở hữu các công ty xuất khẩu nông sản, với cấu trúc cổ đông và cấu trúc doanh nghiệp tốt. Đồng thời cũng có sự tăng trưởng và thị phần gia tăng liên tục trong thời gian gần đây, được xem là một cổ phiếu sẽ hưởng lợi trong thời gian tới”, chuyên gia tại Yuanta Việt Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm
“Sóng ngầm” chứng khoán tháng 6
20:30, 02/06/2022
“Dò đáy” chứng khoán
11:26, 31/05/2022
Chứng khoán: Đáy chưa hình thành
04:50, 29/05/2022
Trung Quốc nới lỏng chính sách trước lo ngại dòng vốn nước ngoài “tháo chạy”
04:00, 31/05/2022