Áp dụng IFRS: Điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán
Khi áp dụng báo cáo tài chính theo IFRS, chất lượng công bố thông tin được kỳ vọng sẽ nâng cao và là một trong những tiền đề quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng.
>>Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
Tiêu chí quan trọng
Vừa qua Bộ Tài chính đã triển khai rất nhiều mục tiêu để hướng tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Theo đó, một trong những điều kiện quan trọng để nâng hạng thị trường là chất lượng thông tin tài chính được công bố nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường, đặc biệt là chất lượng báo cáo tài chính cần phải tuân theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Điều này được cho là phù hợp với các yêu cầu cải cách trong quản lý tài chính ngân sách, phù hợp với xu hướng phát triển của các doanh nghiệp, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính tiền tệ, đảm bảo tính khả thi trong công tác quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và khả năng thực hiện của doanh nghiệp. Việc áp dụng quy định được chia thành hai giai đoạn gồm giai đoạn một, từ năm 2022 đến 2025 áp dụng tự nguyện; giai đoạn hai là từ năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc.
Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một điều kiện tiên quyết để thị trường phát triển, tránh câu chuyện trồi sụt, không có tính bền vững. Với mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra, ông Long cũng lưu ý thêm, đây là là mốc thời gian cần phải chú ý, bởi các đề án của Chính phủ có liên quan cũng lấy con số 2025 làm mục tiêu, trong đó mốc rất quan trọng đó là Quyết định số 345 của Bộ Tài chính về chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính Việt Nam sang áp dụng chuẩn quốc tế.
Có thể thấy, một trong những trở ngại cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán đó là chất lượng thông tin tài chính. Trong khi các tiêu chí của MSCI có bao gồm bố thông tin bằng tiếng Anh, nhưng ở Việt Nam hiện nay không có nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố. Các chuẩn mực của chúng ta cũng theo chuẩn Việt Nam chứ không phải chuẩn quốc tế, dẫn đến một khoảng cách khá lớn giữa hai hệ thống chuẩn mực.
Nếu được nâng hạng, MSCI sẽ công nhận thị trường Việt Nam ở một mức cao hơn về sự phát triển, khi đó các nhà đầu tư ngoại từ cá nhân đến tổ chức vào Việt Nam sẽ có sự am hiểu, được tạo điều kiện để nhận diện thị trường cũng như được bảo vệ khi tham gia đầu tư.
“Trong suốt giai đoạn vừa qua, đã có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quan điểm của MSCI đánh giá về việc, liệu nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì có được bảo vệ hay không? Ví dụ trên thị trường, nhiều doanh nghiệp có các điều chỉnh từ 5.000-7.000 tỷ đồng ghi vào lỗ, nhưng lại điều chỉnh vào các năm trước đó, vì thế ai là người bảo vệ những nhà đầu tư khi họ đầu tư vào các cổ phiếu này trong bối cảnh ngôn ngữ bất đồng, thông tin không được tiếp cận một cách nhanh chóng, chất lượng.
Tới đây, chuẩn bị đến mùa báo cáo tài chính quý 2 và bán niên 2022. Lộ trình áp dụng báo cáo tài chính chuẩn quốc tế như thế nào cũng được nhiều người quan tâm. Trong đó, với những doanh nghiệp đã đăng ký tự nguyện thì sẽ chỉ làm một bản báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế duy nhất, còn những doanh nghiệp chưa đăng ký mà muốn làm thì sẽ phải động thời thực hiện cả hai”, vị chuyên gia nói.
>>Thực hiện IFRS: Chi phí đầu tư hay cơ hội của doanh nghiệp?
Áp dụng IFRS như thế nào?
Cũng theo ông Long phân tích, với báo cáo tài chính hợp nhất là bắt buộc có các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn, hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác. Còn các báo cáo tài chính riêng và báo cáo khác thì vẫn chưa áp dụng, bởi vì liên quan đến chính sách thuế khác nhau ở các quốc gia khu vực khác nhau.
Khi áp dụng theo IFRS, chất lượng công bố thông tin được kỳ vọng sẽ nâng cao và là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi. Các nhà đầu tư nước ngoài cần đọc thông tin tài chính cùng một ngôn ngữ, cùng một tư duy toàn cầu thay vì theo cách của riêng Việt Nam.
Một thông tin đặc biệt quan trọng nữa đó những ngành bị ảnh hưởng bởi IFRS. Đầu tiên là ngành bán lẻ, sẽ áp dụng theo IFRS số 16, nghĩa là các chi phí thuê sẽ phải ghi vào những khoản vay; Hai là hàng không cũng tương tự, các khoản thuê hoạt động để ngoại bảng cũng phải ghi vào nội bảng như những khoản vay;
Ba là các công ty phát hành ESOP sẽ xét theo chuẩn mực IFRS số 2, ESOP này sẽ ghi vào chi phí và trừ vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó chính là một trong những động lực để khiến doanh nghiệp khi phát hành ESOP phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng, chứ không phát hành vô tội vạ, ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông.
Bốn là ngành ngân hàng sẽ áp dụng theo chuẩn mực số 9, trong đó chất lượng khoản vay, chất lượng khoản đầu tư trái phiếu và các giao dịch tài chính sẽ được đánh giá theo các mô hình chuẩn riêng. Hiện nay, một số ngân hàng ở Việt Nam đang có những dự án để áp dụng theo chuẩn IFRS số 9 vì đây là một trong những chuẩn mực rất khó để nâng cao chất lượng công bố thông tin, đặc biệt là chất lượng của các khoản nợ và nợ xấu của ngành này được đánh giá bằng những mô hình mang tính chiến lược.
“Như vậy để thấy, chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính là một trong những điều kiện rất quan trọng. Với những thị trường cận biên như Việt Nam, hay một số thị trường khác tương tự thì vấn đề về báo cáo tài chính sai lệch, điều chỉnh, hồi tố diễn ra rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu”, ông Long giải thích thêm.
Về tác động của IFTRS, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế, cũng như phát hành các công cụ vốn ra thị trường quốc tế. Khi chúng ta đã ra sân chơi lớn thì không thể mang một báo cáo tài chính được lập theo kiểu Việt Nam để nói chuyện với các nhà đầu tư quốc tế được, mà bắt buộc phải có báo cáo tài chính IFRS.
Đồng thời, IFRS cũng làm thay đổi những người làm công tác tài chính kế toán tại Việt Nam, trước hết phải là một nhà kinh tế, bởi vì các quy định của IFRS hướng tới việc chúng ta phải chuyển hóa ngôn ngữ kinh doanh thành ngôn ngữ của báo cáo tài chính, phù hợp với bản chất và cách thức vận hành giao dịch. Người làm công tác tài chính kế toán không chỉ đòi hỏi kỹ năng về kế toán, bởi vì các chuẩn mực của quốc tế nói nhiều hơn về các mô hình xác định giá trị và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
“Một điểm quan trọng nữa là, khi chúng ta áp dụng IFRS, sẽ làm cho chất lượng báo cáo tài chính càng ngày càng tăng. Người ta ví von rằng, báo cáo được lập theo chuẩn mực IFRS có tác dụng tương tự như đi khám sức khỏe định kỳ và sử dụng xét nghiệm máu tại thời điểm hiện tại, điều đó giúp bác sĩ chẩn đoán được tình hình sức khỏe sát thực hơn so với việc sử dụng các thông tin trong quá khứ để đánh giá tình hình hiện tại. Nên việc áp dụng IFRS giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm giải trình đối với các nhà đầu tư, từ đó gián tiếp góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, cũng như giúp sự phát triển của thị trường vốn và thị trường chứng khoán tại Việt Nam bền vững, ổn định”, ông Vinh nói.
Có thể bạn quan tâm
Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
04:50, 05/07/2022
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần có nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư
08:00, 18/05/2022
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và các kiến giải
05:30, 26/04/2022
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần thay đổi về “chất”
05:30, 25/04/2022