Xu hướng hợp nhất các công ty chứng khoán
Ngành chứng khoán Việt Nam đang trải qua thời kỳ vàng với tốc độ tăng trưởng cao, tỉ lệ thâm nhập và rào cản gia nhập thấp...
>>> “Tiền nhiều để làm gì?”, VPBank sắm ngay công ty chứng khoán cho chiến lược 5 năm
8 CTCK chiếm 60% thị phần
Trong báo cáo "Ganh đua giành thị phần", CTCK Maybank (MSVN) cho rằng dưới sự nâng đỡ của nền kinh tế với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng, thị trường vốn Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập thấp đem lại cơ hội to lớn cho các CTCK.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng cũng khiến chứng khoán trở thành ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) VN đều có chỉ số beta cao, nghĩa là cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường giảm mạnh hơn so với toàn thị trường khi chỉ số bước vào xu hướng giảm và ngược lại. Một số trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định, thậm chí tốt hơn so với dự kiến, giá cổ phiếu một số CTCK đầu ngành vẫn giảm nhiều hơn thị trường chung khi VN-Index điều chỉnh kể từ đầu năm.
Đáng chú ý là, tuy ngành đã phát triển nhưng khá phân mảnh với hơn 70 CTCK lớn nhỏ khác nhau. Những doanh nghiệp đầu ngành đã và đang dần hợp nhất thị trường và trở nên vững mạnh hơn. Các CTCK đầu ngành bao gồm SSI, VND, VCI, HSC (đã niêm yết) và VPS, TCBS (chưa niêm yết).
"Ngay cả khi số lượng tài khoản mở mới ngày càng tăng, phần lớn thị phần sẽ tiếp tục tập trung nhiều hơn về 10 CTCK đầu ngành khi các công ty này liên tục tăng mạnh về quy mô", MSVN nhận định.
Dữ liệu của CTCK này cũng cho biết, với 6,3 triệu tài khoản chứng khoán đã mở (>97% là khách hàng cá nhân), tỷ lệ thâm nhập TTCK ở Việt Nam hiện tại đạt chưa đến 6% trên tổng dân số 100 triệu người (so với Thái Lan là 9%, Đài Loan 90%). Vì thế, dư địa phát triển vẫn còn dồi dào khi giai đoạn vàng của ngành mới trải qua phân nửa. Từ đầu năm đến nay, số tài khoản trung bình mở mới hàng tháng vẫn tăng ở mức 200 nghìn tài khoản. "Chúng tôi kỳ vọng số lượng mở mới của KH tổ chức sẽ tăng nhanh khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 3-5 năm tới. Thanh khoản và vốn hóa thị trường cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng", chuyên viên phân tích Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá.
>>> Thị phần môi giới trên HoSE 2021: VPS, SSI trụ vững, HSC, VCSC và VNDirect thay đổi
Xu hướng hợp nhất
Với bức tranh phân mảnh như hiện tại, hầu hết các CTCK đều đang tập trung tranh giành thị phần môi giới cá nhân và xây dựng mạng lưới khách hàng. Và với số lượng tài khoản mới của khách hàng cá nhân vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi MSCI đang đến gần hơn, MSVN cho rằng cuộc đua giành thị phần của các CTCK sẽ mang lại những phần thưởng to lớn cho những tổ chức thắng cuộc.
Cụ thể, xu hướng hợp nhất thị trường sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và thị phần sẽ tiếp tục dồn về phía các CTCK hàng đầu. Do đó, các CTCK này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, nhờ: (1) quy mô thị trường mở rộng. (2) sự hợp nhất thị trường.
Trên thực tế như MSVN đã nêu, xu hướng hợp nhất vẫn âm thầm diễn ra suốt thời gian qua và nhờ đó hồi sinh hoặc mang đến những CTCK quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh hơn và có triển vọng hơn nhờ hệ sinh thái hoặc phát triển phân khúc ngách.
Chẳng hạn, trong top 8 CTCK đang nắm giữ thị phần lớn nêu trên, sự hiện diện của VPS bứt tốc đầu bảng thị phần chỉ mới 1,2 năm gần đây và nhờ sự tiếp vốn của VPBank, trên cơ sở hồi sinh một CTCK gần như chỉ còn hoạt động "trên giấy".
Nhóm các CTCK "chiếu dưới" cũng đã và đang diễn ra xu hướng "thay máu" đáng kể với Fiinhay vào Vina Securities, Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service) sở hữu ví điện tử MoMo có kế hoạch thâu tóm Chứng khoán CV (CVS)....
"Cơ hội là to lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh đang ngày càng khốc kiệt do các CTCK đầu ngành liên tục tăng cường lợi thế cạnh tranh bằng cách mở rộng quy mô. Chúng tôi cho rằng những CTCK có mạng lưới khách hàng rộng lớn sẽ trở thành những ngôi sao sáng trong ngành", MSVN nhận định.
Có thể bạn quan tâm