Cơ hội từ bán lẻ dược phẩm

ĐẶNG TRẦN PHỤC - Chủ tịch HĐQT AZFin 12/10/2022 03:00

Dư địa phát triển ngành bán lẻ dược phẩm vẫn còn “màu mỡ” trong tương lai.

>>>Ngành bán lẻ dược phẩm: Chuyển đổi sang hình thức thương mại hiện đại

Trong năm 2021 – 2022, các chuỗi bán lẻ dược phẩm như Pharmacity thuộc công ty Cổ phần Maroon Bells (MRB), Long Châu thuộc FPT Retail (FRT) hay An Khang thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đều có sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

 Doanh thu bán lẻ dược phẩm dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong các năm tới.

Doanh thu bán lẻ dược phẩm dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong các năm tới.


Thị phần màu mỡ

Tỷ lệ bao phủ kênh bán lẻ hiện vẫn còn nhiều dư địa phát triển, song song với đó là thương mại điện tử. Cụ thể, độ phủ bán lẻ của Việt Nam chỉ 25% dành cho kênh hiện đại, còn 75% là bán lẻ truyền thống, đối với ngành dược sẽ là các cửa hàng dược đơn lẻ.

Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 36% dân số ở đô thị, là tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philipines (55%-60%). Nhưng bù lại, chúng ta có tốc độ đô thị hoá cao, khoảng 3%/năm. Do đó, lĩnh vực dược cũng được quan tâm hơn khi mỗi gia đình có một tủ thuốc.

Trong khi đó, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng (trung bình 33 tuổi) với quy mô 97 – 99 triệu người, thì cơ cấu dân số trẻ khoảng 60% trong độ tuổi 18-50; tầng lớp trung lưu tăng mạnh với tăng trưởng khoảng 10,4%/năm. Do đó, chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trưởng gộp khoảng 10,5%/năm. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi già cũng bắt đầu vào giai đoạn tăng trưởng nhanh, dẫn đến tiêu thụ dược sau năm 2022 được đánh giá sẽ có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Với động lực như vậy, trong 10 năm tới, GDP Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng ổn định nhờ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và kiểm soát CPI tốt. Trong khi bán lẻ nói chung vẫn luôn có mức tăng trưởng mạnh hơn GDP và đang trở lại tốt, góp phần tạo điều kiện tích cực cho lĩnh vực bán lẻ dược.

Quy mô thị trường dược phẩm năm 2022 khoảng 140.000 tỷ đồng, trong khi kênh bán lẻ dược phẩm chỉ chiếm khoảng 12%, cho thấy bán lẻ dược phẩm vẫn còn dư địa lớn để tăng trưởng.

Những vấn đề cần lưu ý

Khi phân tích đánh giá những yếu tố quan trọng của ngành bán lẻ dược, chúng ta cần lưu ý ba vấn đề:
Thứ nhất, đánh giá về tốc độ tăng trưởng và triển vọng ngành để biết dư địa có còn lớn không; lợi thế cạnh tranh thông qua biên lợi nhuận gộp; tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, độ phủ thị phần,...

Thứ hai, nếu chưa có lợi nhuận sẽ giúp xác định được doanh nghiệp nào có thể chiến thắng trên thị trường.

Thứ ba, chiến lược phát triển cho biết doanh nghiệp hoạt động ra sao, khi nào đến đích? Định giá cổ phiếu hay định giá doanh nghiệp bán lẻ thường sử dụng phương pháp P/S (định giá trên doanh thu).

Cần lưu ý, thị trường bán lẻ dược phẩm cũng có điểm yếu là vẫn còn khá phân mảnh, sau hai năm phát triển mạnh 2021-2022, đâu đó đã có những chuỗi vươn lên. Tổng số các nhà thuốc, quầy bán lẻ lên đến gần 60.000 quầy nhưng các chuỗi chuyên nghiệp chỉ có 2.700 cửa hàng, chiếm tỷ trọng nhỏ, nổi lên là ba nhà bán lẻ dược nêu trên. Nếu tính theo số lượng thì Pharmacity dẫn đầu về số lượng với 1.093 cửa hàng cập nhật đến ngày 13/9/2022, nhưng có mức doanh thu khiêm tốn, dự kiến khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà thuốc Long Châu có 771 cửa hàng với doanh thu năm 2022 dự kiến khoảng 9.500 tỷ đồng và nhà thuốc An Khang có 614 cửa hàng, dự kiến doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

>>>Nơi duy nhất tại Việt Nam cho phép nhân viên y tế được phạm sai lầm

Cơ hội trong dài hạn

Theo ước tính, quy mô thị trường dược phẩm năm 2022 khoảng 140.000 tỷ đồng, kênh bán lẻ đâu đó mới chiếm khoảng 12%, chứng tỏ quy mô bán lẻ dược phẩm còn rất nhỏ và vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Về lâu dài, các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ có sự phát triển tốt dựa trên các yếu tố như:

Bán lẻ dược phẩm còn nhiều dư địa tăng trưởng. (Ảnh minh họa nhà thuốc Long Châu)

Bán lẻ dược phẩm còn nhiều dư địa tăng trưởng. (Ảnh minh họa nhà thuốc Long Châu)

Một là, tính an toàn. Ở Việt Nam, người dân có nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất phổ biến các cửa hàng nhỏ lẻ. Vì vậy, họ ngày càng chú ý đến sức khỏe và tiến đến những chuỗi cửa hàng dược phẩm có uy tín cao hơn.

Hai là, lĩnh vực dược phẩm có độ trung thành được đánh giá cao. Nếu khách hàng đã mua quen ở một chuỗi cửa hàng dược nào đó, thì xu hướng tiếp tục mua sản phẩm sẽ duy trì khi chất lượng và dịch vụ tốt.

Ba là, các chuỗi bán lẻ lớn thường áp dụng công nghệ cao, phục vụ và giao hàng 24/7 cho khách hàng, mà chỉ những chuỗi sản phẩm lớn mới có thể ứng dụng và phát triển mạnh mẽ dịch vụ này.

Với Pharmacity, sau hơn 10 năm kinh doanh vẫn liên tục lỗ, chưa có dấu hiệu có lãi. Riêng chuỗi nhà thuốc Long Châu đã bắt đầu có lãi với doanh số trên một cửa hàng mỗi tháng lên đến cả tỷ đồng. Sở dĩ Long Châu có sự tách biệt so với các chuỗi còn lại bởi vì họ bán khá nhiều loại thuốc nhập khẩu, giá thành cao; cửa hàng tương đối rộng rãi so với An Khang và Pharmacity. Xét trong dài hạn, chuỗi Long Châu và An Khang có tiềm năng hơn cả.

Nhiều nhà đầu tư cũng đặt ra câu hỏi, ngành dược sẽ được định giá như thế nào? Cá nhân tôi nghiêng về định giá theo phương pháp P/S, tức là định giá trên doanh thu, doanh số nhiều hơn. Một thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao như vậy, các chuỗi cửa hàng đã có lãi, thì họ có thể định giá trên doanh thu rất cao, thậm chí được tính bằng lần.

Việc các chuỗi cửa hàng thuốc chiếm được khoảng 10% đến năm 2027-2028 thì có thể đưa doanh số lên hơn 20.000 tỷ đồng, còn nếu chiếm được quy mô trên 20% thì doanh thu có thể lên 40-50.000 tỷ đồng,...

Chính vì vậy, những doanh nghiệp thống trị được lĩnh vực bán lẻ dược sẽ có kết quả bền vững, mang lại lợi ích lớn cho cổ đông trong dài hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • GSK thành lập Công ty TNHH dược phẩm GSK Việt Nam

    GSK thành lập Công ty TNHH dược phẩm GSK Việt Nam "Mở khóa năng lực quốc tế - chung tay phòng ngừa và điều trị bệnh"

    10:21, 12/05/2022

  • Bamboo Capital

    Bamboo Capital "lên đời" tập đoàn, mở rộng đầu tư dược phẩm

    13:30, 06/05/2022

  • “Bí ẩn” về Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường

    “Bí ẩn” về Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường

    03:50, 24/04/2022

  • Cuộc đua mở chuỗi dược phẩm

    Cuộc đua mở chuỗi dược phẩm

    04:00, 25/04/2022

ĐẶNG TRẦN PHỤC - Chủ tịch HĐQT AZFin