Thận trọng với đầu tư tài chính online, lợi nhuận khủng

DIỄM NGỌC 26/10/2022 05:30

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, bốn tiêu chí quan trọng trong đầu tư tài chính để tránh trở thành nạn nhân, mất trắng tài sản đó là: tính pháp lý, tính an toàn, khả năng lợi nhuận và tính thanh khoản.

>>Tại sao đầu tư tài chính cần kiên nhẫn?

Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm đầu tư chứng khoán trực tuyến, liên tục gọi điện, nhắn tin mời gọi nhà đầu tư tham gia với mức lợi nhuận hấp dẫn. Các kênh đầu tư này chủ yếu hoạt động trực tuyến, không có trụ sở rõ ràng và thường có nhân viên gọi điện tư vấn rất nhiệt tình để chiếm lòng tin của các nhà đầu tư.

Hiện nay, vẫn có tình trạng các nhà đầu tư giao dịch thông qua mạng xã hội, các nền tảng số, nên rất dễ bị “lùa gà” bởi chưa có đơn vị nào được cấp phép trên những nền tảng này (ảnh minh hoạ)

Hiện nay, vẫn có tình trạng các nhà đầu tư giao dịch thông qua mạng xã hội, các nền tảng số, nên rất dễ bị “lùa gà” bởi chưa có đơn vị nào được cấp phép trên những nền tảng này (ảnh minh hoạ)

Bằng việc tạo tài khoản giao dịch trên nền tảng MetaTrader 5 (MT5), người chơi có thể chuyển tiền VND vào một tài khoản ngân hàng trung gian. VND được quy đổi sang USD và tiền được nộp vào tài khoản khách giao dịch. Tuy nhiên, một số người đã rơi vào tình trạng "cháy tài khoản" sau một thời gian ngắn tham gia vào hình thức này.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho rằng, ở Việt Nam các công ty quản lý quỹ, quỹ tín thác,... còn rất ít, dịch vụ hạn chế, dễ xảy ra tranh chấp trong các thương vụ ủy thác đầu tư do hành lang pháp lý cho việc này đang thiếu và rất lỏng lẻo. Đặc biệt hợp đồng lại do bên nhận ủy thác soạn thảo, thì những người ủy thác không có đủ trình độ sẽ dễ bị cài bẫy trong những câu chữ của hợp đồng. Chưa kể hiện nay, vẫn có tình trạng các nhà đầu tư giao dịch thông qua mạng xã hội, các nền tảng số, nên rất dễ bị “lùa gà” bởi chưa có đơn vị nào được cấp phép trên những nền tảng này.

Hay mới đây, các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo về hình thức góp vốn của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Hợp đồng đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, gây nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Theo đó, công ty này đã tung ra nhiều gói đầu tư, người góp vốn sẽ được hưởng mức lợi nhuận tuỳ thời điểm công ty cam kết từ 5-8%, số tiền được trả theo ngày. Chẳng hạn, một nhà đầu tư góp vốn 1 tỷ đồng theo phương thức “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tại công ty Nhật Nam, được hưởng tỷ suất sinh lợi 7% (tương đương mức lãi suất gần 50%/năm). Theo hợp đồng, mỗi tháng người này sẽ được nhận 70 triệu đồng (gốc và lãi), tương ứng mỗi ngày trong tuần nhận được khoảng 3,5 triệu đồng (trừ ngày thứ 7 và chủ nhật). Tuy nhiên, thời hạn cam kết góp vốn bắt buộc là 2 năm (24 tháng). Như vậy, sau 24 tháng, người góp vốn sẽ nhận được tổng cộng 1,680 tỷ đồng (gốc và lãi). Ngoài ra, còn được nhiều ưu tiên, như: mua đất dự án của công ty Nhật Nam, tặng vé du lịch…

>>Ponzi hay các app "thần kỳ" vẫn khiến nhiều người sập bẫy

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay có rất nhiều công ty đầu tư tài chính, công ty thương mại dịch vụ bất động sản quảng cáo, mời gọi đầu tư với mức lãi suất hấp dẫn. Thông thường khoảng 100% hoặc hơn nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư, trong khi đầu tư tài chính hiện nay rất khó khăn, ở kênh lãi suất tiền gửi, nơi trả lãi suất cao cũng chỉ trên 7%.

mời hợp tác, liên doanh liên kết, đầu tư góp vốn... Những hình thức này do thỏa thuận hai bên, tùy theo lãi suất, thậm chí có thể trả lãi suất hàng nghìn phần trăm để nhiều người sập bẫy (ảnh minh hoạ)

Nhiều đối tượng lách luật, mời gọi đầu tư thông qua mời hợp tác, liên doanh liên kết, đầu tư góp vốn... Những hình thức này do thỏa thuận hai bên, tùy theo lãi suất (ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân là do có nhiều người thiếu hiểu biết, đầu tư theo phòng trào nên đã cả tin nghe theo lời quảng cáo như vậy. Việc lòng tham kết hợp với sự thiếu hiểu biết đã dẫn những người này đã trở thành nạn nhân trong hoạt động đầu tư.

“Ở góc độ pháp lý, hành vi cho vay có lãi suất trên 250%/năm với lãi suất cơ bản là vi phạm pháp luật. Nhưng những đối tượng mời gọi đầu tư này đã nghiên cứu luật và lách luật, bằng cách mời hợp tác, liên doanh liên kết, đầu tư góp vốn... Những hình thức này do thỏa thuận hai bên, tùy theo lãi suất, thậm chí có thể trả lãi suất hàng nghìn phần trăm để nhiều người sập bẫy. Thực tế, nếu là hành vi vi phạm pháp luật thì các cơ quan chức năng không để như vậy mà sẽ xem xét để tuýt còi ngay, nhưng với hành vi lách luật kể trên thì rất khó có căn cứ để xử lý”, PGS. TS. Ngô Trí Long nói.

Ông cũng cho rằng, trong các hoạt động kinh doanh đầu tư, nhà đầu tư luôn phải xem xét 4 yếu tố quan trọng như: Một là tính pháp lý có hợp pháp hay không, được xã hội chấp nhận không; Hai là mức độ an toàn, trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều hình thức đầu tư tài chính, nếu đầu tư vào lĩnh vực nào lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn, còn lãi suất trung bình hoặc lãi suất thấp thì an toàn hơn; Ba là xem xét lợi nhuận, lựa chọn đầu tư dựa trên khẩu vị rủi ro; và bốn là xem xét tính thanh khoản, nghĩa là khi đã đầu tư thì phải xem việc thanh toán có thuận lợi hay không. Nếu không xem xét đầy đủ 4 tiêu chí này thì khi đầu tư sẽ gặp rủi ro rất lớn, thậm chí trở thành những nạn nhân trong việc đầu tư đó.

“Nhìn chung những hiện tượng mời gọi đầu tư này không phải bây giờ mới xuất hiện, mà diễn biến thường xuyên theo nền kinh tế thị trường. Hiện các chế tài ở Việt Nam không những không thiếu mà hoàn toàn đủ, từ cảnh báo thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, đến các hoạt động trấn áp tội phạm khác. Nhưng phần lớn do người dân còn thiếu hiểu biết, cộng với lòng tham và lôi kéo nhau tham gia vào những hoạt động đầu tư trá hình dẫn tới bị sập bẫy.

Theo tôi, trong nền kinh tế thị trường họ dùng hình ảnh rất ví von đó là “tiền trong nhà phải chửa, ra ngoài cửa phải đẻ” nhưng đầu tư vào lĩnh vực nào, hình thức nào thì phải đảm bảo các tiêu chí an toàn. Đặc biệt hiện nay nở rộ nhiều loại hình đầu tư tài chính, như đầu tư vào chứng khoán, hàng hóa, vàng bạc,... muốn đầu tư vào lĩnh vực gì thì cũng nên am hiểu lĩnh vực đó”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Tại sao đầu tư tài chính cần kiên nhẫn?

    11:32, 20/10/2022

  • Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư tài chính từ rất sớm?

    09:36, 29/09/2022

  • [TRỰC TIẾP] Tọa đàm Đầu tư tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán

    13:30, 29/06/2022

  • 29/6: Toạ đàm Đầu tư Tài chính 2022 - Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường Chứng khoán

    17:43, 23/06/2022

DIỄM NGỌC