Chất lượng tín dụng cải thiện, quỹ ngoại miệt mài gom cổ phiếu BID
Trong khi cổ phiếu ngân hàng không ngừng trồi sụt, thì cổ phiếu BID - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiếp tục được khối ngoại gom mua.
>>>Cổ phiếu ngân hàng nhóm Big 3 tiếp tục giữ lửa thị trường
Dữ liệu thống kê của sàn HOSE cho thấy, trong 10 ngày từ 1/11 đến 11/11 cổ phiếu BID liên tục được khối ngoại mua vào tổng gần 5 triệu đơn vị. Hễ khi cổ phiếu BID giảm sâu thì nhà đầu tư ngoại sẽ có động thái tiếp tục gom mạnh. Riêng phiên giao dịch ngày 8/11 khối ngoại gom 1,1 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch 38,4 tỷ đồng; Phiên giao dịch 9/11 khối ngoại gom 2,1 triệu cổ phiếu BID với với tổng giá trị giao dịch 78 tỷ đồng…
Vậy nhà đầu tư có nên tiếp tục mua và nắm giữ cổ phiếu BID tại vùng giá này?
Ông Nguyễn Hữu Tùng - Nhà đầu tư trên sàn ACBS, chia sẻ, khối ngoại đã gom mua vào cổ phiếu BID với thị giá khá sát giá đối tác chiến lược KEB Hana Bank mua vào cổ phiếu BID.
Năm 2019, KEB Hana Bank trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi quyết định trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.
Vào ngày 31/10/2019, BIDV hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền BIDV thu được sau thương vụ này là hơn 20.295 tỷ đồng, từ đó tăng vốn điều lệ thêm 6.033 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng. "Như vậy nếu mua BID với vùng giá này tôi nghĩ rất an toàn và nắm giữ BID cho mục tiêu trung và dài hạn như các nhà đầu tư chiến lược thay vì mua nhóm cổ phiếu các ngành khác, trong bối cảnh lạm phát thì rủi ro sẽ cao hơn", ông Tùng chia sẻ.
Báo cáo tài chính mới đây được ngân hàng công bố, quý 3/2022 BID đạt 5,3 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ chủ yếu do thu nhập lãi ròng tăng và dự phòng giảm hoàn thành 83% kế hoạch. Tính chung ba quý đầu năm, ngân hàng thu về hơn 14.190 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản hợp nhất đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tập trung dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và định hướng kinh doanh của BIDV, phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đến 30/09/2021, cho vay khách hàng đạt trên 1,428 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, trong đó dư nợ tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến 30/09/2021, tổng tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1.424 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở BID mức 1,39%, giảm 0,15% so với đầu năm, kiểm soát theo đúng định hướng của NHNN dưới 1,6%; Tỷ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng là 1,29%, giảm 0,03% so với đầu năm.
Hoạt động thu phí dịch vụ ròng của ngân hàng đạt 6.226 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các dòng dịch vụ có mức tăng trưởng cao trên 30% là dịch vụ ngân hàng số (45%), dịch vụ bảo hiểm (60%),...
Đánh giá về cổ phiếu BID, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, thu nhập từ lãi ổn định cũng như kỳ vọng chi phí dự phòng đạt đỉnh sẽ hỗ trợ triển vọng lợi nhuận cho ngân hàng.
Trong ngắn và trung hạn, biên lãi thuần (NIM) mở rộng và chi phí dự phòng giảm dần sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. NIM 12 tháng (TTM) giảm nhẹ xuống mức 2,8 % do các yếu tố như hạn chế tăng trưởng tín dụng gián tiếp buộc BID phải tăng tỷ trọng các tài sản sinh lời không được tính là tín dụng như cho vay liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu gần như phi rủi ro (TPCP và TPDN được phát hành bởi các tổ chức tín dụng).
Tính riêng mảng khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Như vậy, Yuanta kỳ vọng sự tăng trưởng khả quan của mảng bán lẻ cũng như nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ cho NIM trong năm 2022 và 2023.
Chi phí tín dụng giảm dần trong 9 tháng đầu năm có thể là chỉ báo cho chi phí này đã đạt đỉnh. Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao đóng vai trò nền tảng trong việc ổn định tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới. Yuanta duy trì khuyến nghị cổ phiếu BID với giá mục tiêu 46.000 đồng/cp phản ánh sự tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận, chất lượng tài sản tốt được duy trì, và triển vọng ổn định trong những tháng còn lại của năm 2022. Giá mục tiêu của BID tương đương với mức P/B mục tiêu là 2.0x, cao hơn so với mặt bằng chung nhờ vị thế dẫn đầu và các cải thiện hiệu quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2022.
Có thể bạn quan tâm