Lại rộ thông tin bịa đặt có thể gây hoang mang thị trường
Ngay cả trường hợp chủ tài khoản trên mạng xã hội đã bị công an bắt giữ vẫn có thông tin dẫn chiếu nhằm “tăng lan tỏa” hiệu ứng thông tin bịa đặt…
>>>Thị trường đặt sai trọng tâm khi quá lo ngại về nâng lãi suất
Hai ngày cuối tuần qua, trên mạng xã hội, một số diễn đàn và nhóm thảo luận của nhà đầu tư lại xôn xao với nhiều thông tin, hình ảnh, số liệu có thể gây hoang mang trên thị trường nếu không được kiểm chứng kịp thời.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết đã phải chỉ đạo ngay chiều muộn hôm qua (12/11) thông tin cụ thể qua mạng nội bộ để cán bộ nhân viên nắm tình hình. Bởi trong ngày có thông tin bịa đặt lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nêu về doanh nghiệp mình.
Thông tin bịa đặt phóng đại doanh nghiệp này đang nắm giữ tới khoảng 26.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp; một đối tác khác thì bị thổi phồng lượng trái phiếu phát hành lên tới 77.000 tỷ đồng…
“Không thể hiểu nổi vì sao lại có thông tin phóng đại quá mức như vậy, thực tế hiện lượng trái phiếu chúng tôi nắm giữ chỉ hơn 4.000 tỷ đồng, là của các nhà phát hành uy tín và đang hoạt động bình thường, thanh toán lãi đều đặn. Trong khi đó phía đối tác qua tìm hiểu thì lượng trái phiếu đã phát hành cũng chỉ hơn 18.000 tỷ đồng mà bị phóng đại lên 77.000 tỷ”, lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết thêm.
Ở một hướng khác, lãnh đạo một doanh nghiệp lại vừa bị xuyên tạc “đã bỏ trốn” trên mạng xã hội, trong khi vị lãnh đạo này đang chuẩn bị thực hiện mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình trong vài ngày tới, khi giá cổ phiếu trên sàn giảm sâu, để tăng lượng sở hữu.
Cũng trên nền tảng mạng xã hội, nhà đầu tư lại chuyền tay hình ảnh cắt ghép hình nhà đầu tư tập trung ở sảnh của một doanh nghiệp, ghép với thông tin xuyên tạc về một doanh nghiệp khác như để “tăng sức nặng”, “thuyết phục” thêm cho thông tin xuyên tạc, bịa đặt đó…
Đáng chú ý, khi trao đổi với một cán bộ của doanh nghiệp trên, thông tin nhận được là chính họ cũng đang phiền toái và chưa thể xử lý khi ngay cả trường hợp chủ tài khoản tung tin đã bị bắt hồi tháng 7 vừa qua về tội danh tuyên truyền chống phá Nhà nước nhưng hiện vẫn được làm “dẫn chứng sống” để cài ghép, lan truyền thông tin sai lệch…
“Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những tài khoản như vậy thuộc một nhóm ở nước ngoài nên không can thiệp xử lý trực tiếp được; người dùng trước đó bị bắt thì vẫn có người khác tiếp tục sử dụng hoặc cài ghép để tăng “tương tác” trên nền tảng mạng xã hội. Hiện chúng tôi đã báo cáo với các cơ quan chức năng để có thể hỗ trợ xử lý”, cán bộ doanh nghiệp trên cho biết.
Nhìn chung, những thông tin sai lệch, thậm chí xuyên tạc trắng trợn qua cài ghép, “chế” hình ảnh và nội dung… chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng và bất động sản. Người tiếp cận những thông tin này khi không kiểm chứng, không có điều kiện kiểm chứng có thể bị lợi dụng tâm lý, gây hoang mang trên thị trường.
Ngay cả cơ quan quản lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Ngày 10/11, thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội không còn là thành viên Liên đoàn Các Sở giao dịch chứng khoán thế giới được lan truyền khiến nhà đầu tư lo ngại. HoSE đã phải lên tiếng chính thức là thực tế Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã được thành lập theo mô hình mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại HoSE và HNX theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ và theo quy định hiện hành, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ là đầu mối tham gia làm thành viên các hiệp hội, tổ chức quốc tế, trong đó có Liên đoàn Các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE); tin đồn mới hết "đất sống".
Về tình trạng bịa đặt trắng trợn gây ảnh hưởng thị trường, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công An cũng đã có khuyến cáo tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua.
Cụ thể, Trung tướng Tô Ân Xô lưu ý rằng, sau khi khởi tố vụ án ở Tập đoàn Đầu tư An Đông, có rất nhiều công ty cả trong và ngoài nước bị tung tin thất thiệt, sai sự thật, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, 10 tháng đầu năm, Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án phạm tội trên không gian mạng, tăng 144% so với cùng kỳ. Về các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng.
Gần đây, cơ quan công an cũng đã liên tiếp xử lý một số trường hợp thông tin sai sự thật về doanh nghiệp trên mạng xã hội; hay vừa qua một trường hợp cũng đã bị xét xử 2 năm tù với tội danh tương tự…
Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo trên, thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Những thông tin sai trái vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp.
“Chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ các hoạt động bình thường, tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp, hạn chế việc tung tin sai trái, thất thiệt làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế”, Trung tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô nhấn mạnh.