VN-Index ngược dòng, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng

L.MỸ 16/11/2022 15:46

Sắc tím trên sàn chứng khoán Việt hôm nay đã khiến nhiều "con tim vui trở lại", cùng sự tích cực dẫn đầu của nhóm ngân hàng, chứng khoán... Trong đó, có lực cầu tham gia mua ròng của khối ngoại.

>>> Chất lượng tín dụng cải thiện, quỹ ngoại miệt mài gom cổ phiếu BID

Phiên giao dịch 16/11 bùng nổ thanh khoản đã đưa VN-Index tăng thêm 31 điểm, chốt phiên tại 942,9 điểm, đánh tan nỗi lo âu của nhà đầu tư nếu thị trường tiếp tục thủng đáy. Trong khi đó VN30 cũng leo dốc 35,5 điểm với đà thăng hoa của nhiều mã trong rổ. Nếu xét từ mức đáy trong phiên, VN-Index đã tăng 70 điểm.

VN-Index có phiên ngược dòng ấn tượng với sự duy trì mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng từ khối ngoại

VN-Index có phiên ngược dòng ấn tượng với sự duy trì mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng từ khối ngoại. Ảnh: Quốc Tuấn

Thanh khoản trên cả 3 sàn đã lên hơn 16 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng cuối tháng 3/2022. Đáng chú ý, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đã được sang tay trong phiên hôm nay. 

Nâng đỡ cho đà khởi sắc của sàn, dẫn đầu là nhóm ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, chứng khoán. Trong đó, ngân hàng tiếp tục được khối ngoại gom mua.

Điển hình như BID của Ngân hàng TMCPC Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Dữ liệu thống kê của sàn HoSE cho thấy, trong 10 ngày từ 1/11 đến 11/11 cổ phiếu liên tục được khối ngoại mua vào tổng gần 5 triệu đơn vị. Hễ khi cổ phiếu BID giảm sâu thì nhà đầu tư ngoại sẽ có động thái tiếp tục gom mạnh. Riêng phiên giao dịch ngày 8/11 khối ngoại gom 1,1 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch 38,4 tỷ đồng; Phiên giao dịch 9/11 khối ngoại gom 2,1 triệu cổ phiếu BID với với tổng giá trị giao dịch 78 tỷ đồng… Còn phiên hôm nay, khối ngoại gom mua hơn 439 nghìn đơn vị, bán ra hơn 1.200 đơn vị, giá trị mua ròng hơn 15 tỷ đồng. BID là một trong những mã bank tím trần.

Sở dĩ được khối ngoại gom mua, theo đánh giá, do cổ phiếu đã về mức rất thấp quanh và dưới giá phát hành cho cổ đông chiến lược Hàn quốc KEB Hana Bank. Với tăng trưởng huy động 9 tháng đạt trên 10%, dư nợ trên 1,4 triệu tỷ, dư nợ tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chất lượng tín dụng tốt, trích lập dự phòng đầy đủ với bộ đệm dày chống rủi ro, BID đang được kỳ vọng sẽ là cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu khi thị trường hồi phục.

Trong khi đó, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM đã về giao dịch quanh mức 14.6-15.8 trong những phiên giao dịch gần đây, cũng là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại liên tiếp mua ròng nhiều phiên.

HDB của HDBank liên tiếp có 5 phiên được khối ngoại mua ròng

HDB của HDBank liên tiếp có 5 phiên được khối ngoại mua ròng. Ảnh: Giao dịch của HDBank

Cụ thể, những tin đồn xung quanh HDBank và các cá nhân lãnh đạo đã được ngân hàng này chính thức kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật. Do đó, đây có lẽ cũng là một trong những cơ sở để nhà đầu tư khối ngoại tranh thủ tích lũy cổ phiếu HDB ở vùng giá thấp. Trong phiên giao dịch 14/11, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng HDB với mua vào 3,5 triệu cổ phiếu này trong khi bán ra 1 triệu cổ phiếu. Đây là phiên mà giá cổ phiếu HDB biến động khá mạnh khi có thời điểm giảm sàn xuống 13.800 đồng/cp. Tuy nhiên nỗ lực hồi phục cuối phiên đã giúp cổ phiếu này về mức 14.600 đồng/cp, thu hẹp mức giảm còn 1,4%. Thanh khoản HDB tăng mạnh với hơn 6,6 triệu cp được khớp lệnh, gấp 3 lần phiên trước đó.

Đến phiên 15/11, HDB tiếp tục được khối ngoại mua ròng với mua vào 1,6 triệu cổ phiếu, bán ra 804 nghìn đơn vị.

>>> Sớm ứng cứu thị trường trước cơn bão mua lại trái phiếu trước hạn

Đặc biệt phiên 16/11, khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng trên sàn, tạm tính lúc đầu phiên chiều hơn 430 triệu cổ phiếu. Đây đã là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp của dòng tiền nước ngoài tại HDB kể từ phiên 10/11 - tổng khối lượng mua ròng tạm tính hơn 4,5 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị gần 80 tỷ đồng. Kết phiên, cổ phiếu HDB tăng mạnh gần hết biên độ +6,43%, kéo giá lên 14.900đ/cp.

Ở diễn biến liên quan, từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều lãnh đạo HDBank đã lần lượt thông báo đăng ký mua vào cổ phiếu trong đó mới nhất, ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu. Tương tự, ông Đào Duy Tường - Trưởng Ban Kiểm soát cũng đăng ký mua vào số lượng cổ phiếu tương đương.

Được biết, các giao dịch trên dự kiến được thực hiện từ ngày 15/11 đến hết 14/12/2022 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận với mục đích đầu tư dài hạn.

Kết thúc 9 tháng 2022, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay. Ngân hàng đang có đà gặt hái doanh thu và lợi nhuận nhờ chiến lược đầu tư chuyển đổi số, thúc đẩy bancasurrance và thanh toán thẻ. HDBank cũng là ngân hàng hiếm trên thị trường có quy mô lớn về tổng tài sản và hệ thống mạng lưới điểm tiếp cận dịch vụ, song chưa ký hợp đồng độc quyền banncassurance với bất kỳ hãng bảo hiểm nào. Ước tính nếu chọn đối tượng, HDBank có thể được ghi nhận hàng trăm triệu USD phí thỏa thuận khai thác độc quyền và trên doanh thu kỳ vọng. 

Trong khi đó, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng được khối ngoại săn đón. Lực cầu của STB gây chú ý thị trường phiên 14/11 với khối lượng giao dịch hơn 36,9 triệu cp, giá trị 570 tỷ đồng. Cổ phiếu này được khối ngoại gom mạnh khi mua vào tới hơn 23 triệu cp trong khi bán ra chỉ 1,2 triệu cp, tức mua ròng tới hơn 21,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 335 tỷ đồng. Trước đó, phiên giao dịch cuối tuần trước (11/11), nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng hơn 25 triệu cp STB, giá trị 403 tỷ đồng. STB cũng đang là cổ phiếu “nóng” trong nhóm bank với mức tăng được kéo gần kịch trần 6,95% trong phiên 16/11.

CTG cũng được khối ngoại quan tâm. Trong tuần trước (7-11/11), cổ phiếu này cũng đã được mua ròng hơn 6 triệu đơn vị và tiếp tục xanh trong phiên thị trường có tới 700 mã đồng khởi sắc.

Với P/B đã về mức rất thấp, thời gian qua cổ phiếu ngân hàng liên tục được các định chế đánh giá “siêu rẻ” so với mặt bằng cổ phiếu cùng ngành và mặt bằng chung. Sự quan tâm của khối ngoại đối với ngân hàng cũng là dễ hiểu khi đây vẫn là ngành “phòng thủ” có giá nhất của nền kinh tế. Tính trong giai đoạn biến động của thị trường chứng khoán gần nhất, khối ngoại đã liên tiếp duy trì 7 phiên mua ròng trị giá lên tới hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào các nhà băng nhiều triển vọng. Riêng phiên ngày 16/11, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên 500 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Tuần cổ phiếu ngân hàng biến động

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Tuần cổ phiếu ngân hàng biến động

    11:30, 15/10/2022

  • Cổ phiếu ngân hàng còn trụ vững “ngôi vua”?

    Cổ phiếu ngân hàng còn trụ vững “ngôi vua”?

    01:00, 28/09/2022

  • Cổ phiếu ngân hàng: Phòng thủ hay thúc thủ?

    Cổ phiếu ngân hàng: Phòng thủ hay thúc thủ?

    05:15, 27/09/2022

L.MỸ