Hấp lực tăng giá vàng năm 2023

DIỄM NGỌC 25/12/2022 03:00

Theo chuyên gia, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý đầu tiên 2023, dẫn đến nhiều ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất và khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

>>Giá vàng nhích nhẹ, chuyên gia dự báo “sốc”

Kỳ vọng giá vàng lập đỉnh

Theo CNBC, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital, Juerg Kiener dự báo, giá vàng có thể tăng lên 4.000 USD/ounce vào năm 2023 do lãi suất tăng và lo ngại suy thoái kinh tế khiến thị trường biến động.

Chuyên gia nhận định Các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Bloomberg

Chuyên gia nhận định các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Bloomberg

Ông nói: “Rất có thể thị trường vàng sẽ chứng kiến một động thái lớn, đồng thời cho biết thêm nó sẽ không chỉ là 10% hay 20%, mà là một động thái sẽ thực sự tạo ra những mức cao mới”.

Kiener giải thích rằng, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý đầu tiên, điều này có thể dẫn đến việc nhiều ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất và khiến vàng ngay lập tức trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi đó, vàng cũng là tài sản duy nhất mà mọi ngân hàng trung ương sở hữu.

“Các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, là một sản phẩm tuyệt vời trong thời kỳ lạm phát đình trệ và là bổ sung tuyệt vời cho danh mục đầu tư”, Kiener nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu vàng mạnh mẽ, Kenny Polcari, chiến lược gia thị trường cao cấp tại Slatestone Wealth lại bày tỏ quan điểm không đồng ý rằng giá vàng có thể tăng hơn gấp đôi vào năm tới. “Tôi không có mục tiêu giá 4.000 USD cho vàng, mặc dù tôi rất muốn thấy kim loại quý này có thể chạm mức giá đó”.

Vị chuyên gia lập luận, giá vàng sẽ chứng kiến một số đợt giảm giá và kháng cự ở mức 1900 USD/ounce và giá cả sẽ được quyết định bởi cách lạm phát phản ứng với việc tăng lãi suất trên toàn cầu.

Giá vàng đã có những phiên tăng gần đây khi đồng đô la Mỹ suy yếu sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Thông báo này đã khiến giá vàng tăng 1% trên mức quan trọng 1.800 USD vào ngày 20/12 trước khi giảm xuống một ngày sau đó khi đồng USD phục hồi.

>>Giá vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce trong năm tới?

Trung Quốc tăng dự trữ vàng

Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố vào đầu tháng 12/2022, quốc gia này đã tăng dự trữ vàng thêm 1,03 triệu ounce trong tháng 11. Mức tăng hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 9/2019 đã nâng dự trữ vàng của Trung Quốc từ 62,64 triệu ounce vào cuối tháng 10 lên 63,67 triệu ounce, trị giá khoảng 112 tỷ USD. Trung Quốc nắm giữ trữ lượng vàng lớn thứ sáu thế giới sau Hoa Kỳ, Đức, Ý, Pháp và Nga.

Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.120 tấn vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.120 tấn vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, dự trữ vàng bị lấn át so với tài sản dự trữ chính thức trị giá 3,29 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm 3,1175 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối vào cuối tháng 11. Trong đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chủ yếu là tài sản đô la Mỹ.

Cũng có ý kiến cho rằng, dự trữ vàng thực tế của Trung Quốc có thể lớn hơn số liệu chính thức do các công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước, các quỹ đầu tư quốc gia và các phương tiện đầu tư khác của Chính phủ nắm giữ.

Dữ liệu của Chính phủ còn cho thấy, Trung Quốc đã bổ sung dự trữ vàng của mình trong sáu kỳ hạn kể từ năm 1978, với sự gia tăng trong những năm gần đây do nỗ lực đa dạng hóa tài sản của Bắc Kinh. Theo đó, vàng thường là lựa chọn ưu tiên khi thị trường toàn cầu ngày càng trở nên biến động và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần lộ diện. Đặc biệt, giá trị của các tài sản phi đô la Mỹ đã giảm nhanh chóng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ và đồng USD mạnh lên trong năm nay.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương đã bổ sung thêm 31 tấn vàng ròng vào dự trữ quốc tế trong tháng 10, đẩy dự trữ chính thức lên mức cao nhất kể từ tháng 11/1974. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Uzbekistan, Iran, Ấn Độ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là những nước mua vàng hàng đầu trong năm nay.

Có thể thấy, mua vàng cũng được coi là một cách để Trung Quốc hạ thấp tỷ trọng tài sản đô la Mỹ mà nước này nắm giữ. Theo số liệu chính thức gần đây nhất, tài sản bằng đô la Mỹ của Trung Quốc chiếm 59% dự trữ ngoại hối vào năm 2016.

Nhưng mặc dù thiếu số liệu chính thức cập nhật hơn, Trung Quốc được cho là đang đa dạng hóa tài sản của mình bằng cách bán phá giá 113,9 tỷ đô la Mỹ trái phiếu kho bạc Mỹ trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến cuối tháng 9 năm nay.

Cũng theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng dự trữ 63,67 triệu ounce của Trung Quốc là khá thấp so với các quốc gia khác, chỉ bằng khoảng 1/4 lượng vàng mà Mỹ nắm giữ vào năm 2021.

Xét về tỷ lệ vàng so với tài sản dự trữ, tỷ lệ 3,3% của Trung Quốc gần bằng mức của Ả Rập Xê - Út, Indonesia và Mexico. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn so với các nền kinh tế tương đương khác, với Nhật Bản là 3,67%, Ấn Độ là 7,7% và Mỹ là 66,6%.

Lần tăng gần đây nhất của Trung Quốc là từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019 khi nước này tăng thêm 3,4 triệu ounce.

Trước đó, mức tăng lớn nhất của nước này là khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 10/2016 khi Trung Quốc bổ sung 25,35 triệu ounce do thị trường chứng khoán và ngoại hối sụt giảm.

Giới chuyên gia nhận định, lựa chọn tăng dự trữ vàng của Trung Quốc là hợp lý bởi đây là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Mặt khác, Trung Quốc cũng phải phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vốn đã tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.120 tấn vào năm 2021.

Trong hướng dẫn phát triển ngành vàng giai đoạn 2021-2025 do Hiệp hội vàng Trung Quốc công bố vào tháng 11/2022, vàng được coi là có chức năng quan trọng và “không thể thay thế” trong việc phòng ngừa rủi ro, duy trì giá trị cũng như bảo vệ an ninh tài chính.

Ước tính, mức tiêu thụ vàng của Trung Quốc có thể đạt 1.300 tấn vào năm 2025, hướng dẫn nêu bật các kế hoạch đầu tư lớn vào thăm dò và khai thác và sản lượng vàng trong nước dự kiến sẽ đạt 530 tấn vào năm 2025, tăng từ 444 tấn vào năm 2021. Vàng được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu cũng sẽ được mở rộng từ 115 tấn lên 130 tấn trong cùng kỳ.

Nikhil Kamath, nhà đồng sáng lập công ty môi giới lớn nhất Ấn Độ Zerodha khuyến nghị, các nhà đầu tư nên phân bổ 10 - 20% danh mục đầu tư của họ cho vàng, đồng thời cho biết thêm đó là một "chiến lược phù hợp" cho đến năm 2023.

Trả lời CNBC, ông Kamath nói: “Vàng theo truyền thống cũng tỷ lệ nghịch với lạm phát và nó là một hàng rào tốt chống lại lạm phát. Nếu nhìn vào số vàng cần để mua một ngôi nhà trung bình trong những năm 1970s, thì ngày nay, người mua nhà cũng chỉ cần một lượng vàng tương đương hoặc ít hơn so với giai đoạn 1970-1990”.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng nhích nhẹ, chuyên gia dự báo “sốc”

    12:36, 24/12/2022

  • Giá vàng đầu tuần: Tăng chậm chạp chờ "ngấm" thông tin

    16:00, 19/12/2022

  • FED “chùn tay” tăng lãi suất, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    05:00, 11/12/2022

  • Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng áp lực chốt lời cuối năm

    05:02, 18/12/2022

DIỄM NGỌC