Năm 2023, cổ phiếu ngân hàng nào sẽ hưởng lợi về room tín dụng?
Cổ phiếu ngân hàng tăng giúp chỉ số VN-Index giữ sắc xanh trong phiên cuối tuần đầu năm mới. Dự báo cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ nới room tín dụng và có thể được nới room ngoại lên 49%...
VN-Index ngược dòng, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng dù xanh nhẹ nhưng khớp lệnh với khối lượng khá lớn trong phiên giao dịch cuối tuần. Cổ phiếu BID tăng đến 41.650 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 3 triệu đơn vị; Cổ phiếu CTG tăng 28.600 với khối lượng khớp lệnh đạt 6 triệu đơn vị. Riêng cổ phiếu nhóm ngân hàng cổ phần như MBB đạt 10 triệu đơn vị; Cổ phiếu STB khớp lệnh đạt 25 triệu đơn vị; Cổ phiếu VPB khớp lệnh cao nhất với khối lượng 31 triệu đơn vị… Ngoài ra cổ phiếu LPB tăng trần lên 14.450 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 46 triệu đơn vị cổ phiếu…
Theo tinh thần dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, thì room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ được nới lên 49%, thay vì 30% như hiện nay. Như vậy, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Điều này có nghĩa là nếu dự thảo được thông qua, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém có cơ hội thu hút thêm dòng vốn ngoại tối đa lên tới 49%.Như vậy, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng khoẻ khi nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém vừa được nới room tín dụng, đồng thời các nhà băng này có một số lợi thế nhất định như tổng tài sản lớn hơn, mạng lưới rộng hơn, quy mô phục vụ thị trường sâu rộng hơn… Ngoài ra, khi tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên 49% sẽ là tiền đề và là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường trong bối cảnh tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại đang bị giới hạn ở con số 30%.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, để ngân hàng mẹ cõng một ngân hàng yếu kém ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng mẹ. Thậm chí có thể khiến ngân hàng mẹ khó đạt chuẩn an toàn vốn theo Basel II. Vậy để đảm bảo “sức khỏe”, ngân hàng tham gia tái cơ cấu bắt buộc phải tăng vốn. Do đó, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% chính là tạo “thỏi nam châm” có sức hút mạnh nhất đối nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tính đến nay, nhiều ngân hàng đã cạn sạch room ngoại với tỉ lệ tối đa 30% như TPB, ACB, MSB. Một số ngân hàng đang tạm khóa room ngoại, như VPBank chỉ mở room cho nhà đầu tư ngoại là 17,6% thì tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tương ứng. Tương tự, tại Ngân hàng An Bình tỉ lệ này lần lượt là 24,6% và 24,61%; TCB là 22,4595% và 22,46%; OCB là 22% và 21,45%; VIB là 20,5% và 20,5%; LPB là 5% và 4,99%...
Đánh giá về nhóm cổ phiếu ngân hàng, báo cáo của CTCK VNDirect cho rằng, thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho ngành ngân hàng: "Khác nhau ở góc nhìn, người lạc quan sẽ nhìn bức tranh với gam màu tươi sáng hơn". Hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngân hàng vẫn là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử (1,1 lần P/B năm 2023) đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, VNDirect ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động sản hạn chế), điển hình như VCB, BID và ACB. Tuy vậy, một khi sóng gió qua đi, nhà đầu tư nên ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc điển hình như VPB.
Trước bối cảnh hiện nay, NHNN sẽ ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Dựa trên những yếu tố này, VNDirect đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như VPB, MBB, HDB và VCB là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm