Nhiều biến số tác động đến thị trường dầu thô năm 2023

DƯƠNG ĐỨC QUANG - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) 20/01/2023 05:05

MXV dự báo, năm 2023 giá dầu sẽ khoảng từ 60 – 100 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm, giúp giá xăng dầu trong nước tương đối ổn định, mang đến các tín hiệu tích cực và khả quan hơn cho nền kinh tế.

>>EU áp trần giá dầu 60 USD/thùng có làm khó Nga?

Năm 2023 sẽ có rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô. Đầu tiên là triển vọng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 và sẽ cần có các chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2023 để nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái. Kinh tế tăng trưởng hay suy thoái sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu sử dụng dầu nói riêng và năng lượng nói chung, qua đó tác động mạnh tới giá dầu.

Năm 2023 sẽ có rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô

Năm 2023 sẽ có rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu thô

Thứ hai là tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Các dự báo đều đang khá tích cực, khi hoạt động sản xuất kinh tế của Trung Quốc hồi phục, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng xăng dầu sẽ tăng lên.

Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay so với năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ sẽ diễn ra kể từ quý 2/2023 sau khi nhu cầu giảm trong quý 1. Tuy nhiên, OPEC cũng cho thấy mặc dù tiêu thụ tại Trung Quốc khởi sắc nhưng với các khu vực khác dự kiến sẽ có sự sụt giảm nhẹ do những thách thức kinh tế. Do vậy, tổ chức này đã giữ nguyên mức dự báo nhu cầu cho năm 2023 vẫn sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.

Thứ ba là căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ kéo dài đến bao giờ. Điều này sẽ quyết định các chính sách xuất khẩu dầu của Nga và tác động lên nhu cầu của thị trường EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới.

Tại báo cáo thị trường dầu thô của OPEC cho thấy, tăng trưởng sản xuất chất lỏng ngoài OPEC không thay đổi so với đánh giá của tháng trước ở mức 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023 so với năm trước. Sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28,97 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2022, cao hơn 91.000 thùng/ngày so với tháng trước, nhưng vẫn ở dưới mức hạn ngạch đặt ra. Do tháng trước, nhóm OPEC-10 cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn mục tiêu ở mức 1,2 triệu thùng, trong khi tháng 12 sản lượng vẫn tăng lên.

Tuy nhiên, một số rủi ro về nguồn cung có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá. Mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nợ do bán với giá chiết khấu cao, kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào năm 2019.

Kể từ ngày 17/1, hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu. Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng là rủi ro lớn với thị trường trước lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế của các nước phương Tây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hai lệnh cấm vận cộng lại sẽ làm giảm sản lượng dầu và tổng xuất khẩu của Nga khoảng 1 triệu thùng/ngày vào cuối quý 1/2023. Nguồn tin cấp cao của Nga đã đưa ra dự báo trung bình về mức giảm hoạt động của nhà máy lọc dầu ở mức 15% trong năm nay, phù hợp với dự báo chính thức.

Nhìn chung, giá dầu sẽ biến động, nhưng MXV đang dự báo khoảng giá sẽ là 60 – 100 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm. Với mức giá thế giới như vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ tương đối ổn định. Giá sẽ không quá thấp, nhưng sự ổn định sẽ mang đến các tín hiệu tích cực và khả quan hơn cho nền kinh tế trong năm tới.

>>Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

Ông Dương Đức Quang

Ông Dương Đức Quang

Tương tự với thị trường xuất khẩu gạo, trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái, các quốc gia sẽ đề cao vấn đề an ninh lương thực. Khi đó, nguồn cung xuất khẩu sẽ giảm xuống và nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên và đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tới.

Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn đang bị ảnh hưởng do hạn hán, nên gạo Việt Nam đang rất được săn đón trên thị trường quốc tế. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, tăng 13,8% so với năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,1% lên 3,4 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đưa ra đánh giá xuất khẩu gạo đầu năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Đặc biệt, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể thấy, thị trường giao dịch hàng hóa nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng đang hội nhập sát với thị trường thế giới. Giá trong nước thường được điều chỉnh theo biến động của giá thế giới, vì vậy Chính phủ cần có những biện pháp để đứng phó linh hoạt trước các biến động của thế giới.

Trong đó, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá xuất nhập khẩu cần được truyền thông, phổ biến và hướng dẫn chi tiết tới các doanh nghiệp để tránh tình trạng “được mùa – mất giá” vốn đã tồn tại hàng chục năm nay.

Với các hợp đồng kỳ hạn, các doanh nghiệp có thể bán hàng ngay từ khi bắt đầu sản xuất để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nga “nghênh chiến” với trần giá dầu

    04:30, 04/01/2023

  • Áp trần giá dầu Nga: Ai hơn, ai thiệt?

    03:30, 07/12/2022

  • EU áp trần giá dầu 60 USD/thùng có làm khó Nga?

    04:30, 06/12/2022

  • Mở kho dự trữ chiến lược, Mỹ đủ sức điều tiết giá dầu?

    02:00, 29/10/2022

DƯƠNG ĐỨC QUANG - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)