Tâm lý thận trọng tác động mạnh lên thị trường chứng khoán
Theo đại diện UBCKNN, thanh khoản đang phản ánh rất rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi dòng tiền hạn hẹp không đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.
>>Chọn cổ phiếu đặc thù trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc
Bức tranh thị trường ảm đạm
Thị trường chứng khoán ngày 27/2 ghi nhận những diễn biến kém tích cực ngay từ những phút đầu phiên, áp lực bán gia tăng trong phiên chiều tiếp tục khiến thị trường chìm trong sắc đỏ trên diện rộng.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 18,31 điểm xuống 1.021,25 điểm; toàn sàn có 66 mã tăng, 371 mã giảm và 40 mã đứng giá. Có thể thấy, tâm lý bi quan từ nhà đầu tư tiếp tục khiến khối lượng giao dịch sụt giảm đáng kể, dòng tiền tham gia rất nhỏ giọt, gần như không đáng kể. Ngay cả khi lực cung bán ra không quá ồ ạt thì các nhóm ngành và lớp cổ phiếu cũng vẫn chìm trong sắc đỏ mà không có nhịp hồi cụ thể.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá, thanh khoản của thị trường phản ánh rất rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi đổ tiền vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Nhà đầu tư vẫn có xu hướng gửi tiền vào kênh gửi tiết kiệm, vừa có yếu tố lãi suất cao và yếu tố biến động không phức tạp như trên thị trường chứng khoán, chừng nào mặt bằng lãi suất còn giữ ở mức cao, thì dòng tiền vào thị trường sẽ vẫn cầm chừng và ở mức thấp như hiện nay.
Ngoài ra, một yếu tố khác ảnh hưởng đến thanh khoản đó là nhà đầu tư chưa nhìn thấy sự thay đổi mang tính chất rõ nét về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nghĩa là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ vẫn phải đối mặt với khó khăn, là di chứng của thời kỳ Covid-19 và với áp lực lãi suất, chính sách tiền tệ như hiện nay.
Mặc dù bức tranh về thị trường nói chung vẫn ảm đạm, nhưng vị đại diện UBCKNN cũng bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường, với điểm sáng là động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong suốt những tháng cuối năm 2022, kéo dài đến đầu năm 2023.
“Tính đến thời điểm ngày 9/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên 6.000 tỷ đồng cổ phiếu và bán ròng chỉ hơn 800 tỷ đồng đối với trái phiếu. Trong khi dòng tiền trong nước duy trì quan điểm thận trọng, thì nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ròng trở lại, nhất là những phiên nhà đầu tư trong nước bán mạnhm chỉ số VN-Index giảm rất mạnh, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng. Đó là tín hiệu rất quan trọng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn ra khả năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Thông qua đó, nhà đầu tư Việt Nam cũng có xu hướng quan sát diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài trong việc đưa ra quan điểm, động thái đầu tư của mình”, bà Bình cho biết.
>>Vượt rủi ro thanh khoản năm 2023
Kỳ vọng khởi sắc nửa cuối năm
Chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình cho biết, trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý là rà soát lại các văn bản quy định pháp luật hiện hành, liên quan đến vấn đề quản lý các doanh nghiệp niêm yết, các hoạt động chào bán. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả của công tác xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, trước mắt là rà soát lại Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có thêm một số giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang gặp nhiều khó khăn.
“Với quan điểm của cơ quan quản lý, chúng tôi nhấn mạnh vào mục tiêu phát triển bền vững của thị trường. Vừa qua, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong đó có một điểm nhấn quan trọng là khía cạnh phát triển bền vững, có những giải pháp để tái cấu trúc thị trường, nâng cao chất lượng của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt chất lượng liên quan đến vấn đề minh bạch công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát chất lượng của các trung gian thị trường, như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...
Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ gói thầu KRX, được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp giao dịch và thanh toán mới trên thị trường, qua đó giúp nhà đầu tư tiếp cận tốt hơn với thị trường chứng khoán. Xa hơn nữa là những điều này sẽ góp phần ghi điểm trong quá trình đánh giá, nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên thị trường mới nổi. Việc nâng hạng này sẽ giúp cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới tốt hơn”, đại diện UBCKNN khẳng định.
Trước bối cảnh thị trường chứng khoán 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, trong trung - dài hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn các yếu tố có thể giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Điển hình là các yếu tố nền tảng về vĩ mô, cân đối lớn về kinh tế vẫn được giữ vững, đặc biệt hoạt động kinh tế tiêu dùng nội địa và xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi Trung Quốc - một bạn hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam chính thức mở cửa.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán toàn cầu khó tránh biến động
05:10, 24/02/2023
Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán
05:30, 16/02/2023
Chọn cổ phiếu đặc thù trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc
05:00, 14/02/2023
Chứng khoán Mỹ có bị soán ngôi bởi các thị trường mới nổi?
05:13, 04/02/2023