Cải thiện điểm yếu, tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán
“Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều điểm cần phải cải thiện, từ giao dịch T0, cho đến khung pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường”.
>>Tâm lý thận trọng tác động mạnh lên thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang trong xu hướng ảm đạm, liên tục những mức thấp mới trong giá trị giao dịch được thiết lập chỉ trong vài ngày qua. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư mang tâm lý chán nản. Để đưa ra những phân tích, đánh giá về thị trường từ góc nhìn của Quỹ đầu tư, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Vicente Nguyen, CIO AFC Việt Nam.
- Xu hướng kém tích cực hiện vẫn đang bao phủ thị trường dẫn đến tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư, ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
TTCK có lúc thăng hoa, có lúc trầm lặng là điều hết sức bình thường. Nói vui rằng, nếu không có lúc ảm đạm, nhà đầu tư sẽ không thể cảm nhận được hạnh phúc lúc thăng hoa. Với những ai đầu tư dài hạn trên TTCK đều biết rằng, thời điểm như hiện nay chính là thời cơ đầu tư dài hạn và chưa lần nào cho thấy sự thất bại khi thị trường ảm đạm.
Tuy nhiên, hiện nay TTCK còn nhiều điểm cần phải cải thiện, từ giao dịch T0, cho đến khung pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK. Chúng tôi nhận thấy gần đây rất nhiều công ty niêm yết hạ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% xuống còn 0% theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Đây là một bước lùi khủng khiếp trên thị trường chứng khoán. Với cách quản lý như vậy, thị trường sẽ rất khó được nâng hạng, bởi cách quản lý chưa thật sự chuyên nghiệp và chưa thống nhất.
- Được biết trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhà đầu tư ngoại mua ròng khá nhiều trên thị trường chứng khoán. Theo ông, điều gì hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại trong thời điểm này và mối quan tâm thực sự của họ là gì?
Định giá và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam chính là điều hấp dẫn. Vào tháng 10, tháng 11/2022, định giá TTCK về mức loanh quanh 10 lần, đây là mức cực kỳ hấp dẫn bất chấp những biến động trong ngắn hạn. Bởi khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn nhận tiềm năng trong 5-10 năm, chứ không phải vài ba tháng.
Có thể nói, việc quyết định rót tiền vào mức đáy chính là một quyết định sáng suốt. Hiện nay theo cá nhân tôi, vấn đề mà các nhà đầu tư ngoại quan tâm nhất chính là sự ổn định về chính trị và kinh tế. Họ nhìn Việt Nam như một viên ngọc sáng và chỉ cần phát triển ổn định thì các khoản đầu tư nhất định sẽ sinh lợi.
- Ông có thể chia sẻ đôi chút về hoạt động đầu tư của AFC hiện nay đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi thị trường khó khăn chung, năm 2022, chúng tôi lỗ khoảng 18,8% bằng USD, nhưng so với VN-Index thì cũng chưa đáng kể. Trong hiện tại, AFC nhìn nhận đây là cơ hội cực kỳ lớn và là chân sóng của 5 năm tiếp theo.
Chúng tôi đang phải cơ cấu danh mục để đảm bảo chắc chắn không lỡ con sóng này trong 5 năm tới. Cụ thể, phân bổ danh mục vào các công ty tăng trưởng mạnh là điều đang phải thực hiện. AFC hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, dù có khó khăn nhưng cũng sẽ vượt qua.
>>Chọn cổ phiếu đặc thù trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc
- Tầm nhìn dài hạn của ông về thị trường ra sao, đâu là điểm sáng cho thị trường để nhà đầu tư có thể nuôi hy vọng, thưa ông?
Như tôi đã chia sẽ ở trên, chúng tôi cực kỳ tin tưởng vào tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Vấn đề là trong khó khăn thì hầu hết ai cũng bi quan, còn khi trong hưng thịnh thì lại lạc quan thái quá. Những cảm xúc tưởng chừng vô bổ ấy đôi khi phải trả giá rất đắt. Chính vì vậy, luôn phải vững tin, tỉnh táo và lì lợm. Nếu không có khó khăn, sẽ không thể có cơ hội.
Chúng tôi thành lập quỹ vào Việt Nam năm 2014, cũng là thời điểm cực kỳ khó khăn của TTCK lẫn kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, không ai thua lỗ khi lập quỹ vào thời điểm đó cho đến nay. Tương tự, AFC cũng tạo ra được lợi nhuận nhất định cho khách hàng và tôi tin rằng, đây là lần thứ hai chúng ta đứng trước cơ hội đó.
Về thị trường, tuy chưa hết quý 1/2023 nhưng hầu hết các số liệu kinh tế đưa ra một viễn cảnh không mấy tươi sáng. Nền kinh tế đã bắt đầu thấm dần tác động của gia tăng lãi suất và cầu suy yếu tại các quốc gia Mỹ và EU. Sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm giảm 6,3% so với cùng kỳ bởi sự suy giảm của xuất khẩu. Việc thiếu đơn hàng, đặc biệt là những ngành xuất khẩu chủ chốt như điện thoại, máy vi tính… đã làm cho xuất khẩu 2 tháng đầu năm giảm hơn 10% chỉ đạt con số 49,4 tỷ USD, xuất siêu trong 2 tháng đạt 2,8 tỷ USD.
Một yếu tố cũng gây cản trở cho nền kinh tế đó chính là lạm phát. Lạm phát đến tháng 2/2023 đã đạt 4,31%, trong khi đó CPI cơ bản tăng đến 5,08%. Chính vì điều này mà các chính sách giảm lãi suất sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đó là những nét tiêu cực trong tình hình kinh tế cả nước 2 tháng đầu năm 2023. Xen kẽ các điểm xấu thì chúng ta cũng nhìn thấy những nét tích cực nhất định. Thứnhất, phải kể đến tiêu dùng. Bất chấp tiêu dùng trên bình diện truyền thông có vẻ bi quan, nhưng thực tế cho thấy, doanh số bán lẻ và tiêu dùng vẫn tăng khá tốt, đạt 13% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ đi yếu tố giá, thì nó vẫn tăng khoảng 9,2%. Đây có thể nói là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế.
Chúng ta có thể bất đồng ý kiến về chỉ số này và đôi khi mang tính hoài nghi rằng nó chưa chắc chính xác, bởi nếu nhìn vào doanh thu của các tập đoàn bán lẻ niêm yết trên sàn sẽ thấy toàn giảm. Tuy nhiên, đó là những xét đoán mang tính chủ quan và cảm quan. Các doanh nghiệp trên sàn chắc chắn không thể đại diện cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu muốn biết tiêu dùng tăng hay không, hãy vào các trung tâm thương mại, các nhà hàng, quán xá trên khắp cả nước, chúng ta sẽ thấy sự đông đúc hơn hẳn so với cùng kỳ.
Nhất là trong lĩnh vực du lịch, vé máy bay, khách sạn không được đặt sớm cũng sẽ hết hàng. Chưa kể tình hình mở cửa nhộn nhịp ở các địa phương, hàng quán quay lại kinh doanh nhộn nhịp, chính là điểm sáng cho nền kinh tế. Cá nhân tôi đánh giá, đó cũng chính là một trong những động lực giúp kinh tế trụ hạng thành công trong năm nay.
Thứhai, ngoài tiêu dùng, thì một lĩnh vực khác cũng hết sức khả quan và đóng góp không ít cho nền kinh tế đó chính là du lịch. Đây cũng chính là ngành nghề “xán lạn” duy nhất trong quý 1/2023. Số lượng khách quốc tế liên tục tăng lên và đạt gần 1 triệu khách/tháng dù mùa du lịch chính thức vẫn chưa bắt đầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, trong các tháng sắp tới, đặc biệt là tháng hè, lượng khách du lịch đến nước ta có thể đạt con số 1,2-1,3 triệu khách/tháng. Nếu như lượng khách đạt con số này thì năm 2023, Việt Nam có thể chào đón khoảng 12-13 triệu khách và đến năm 2024, con số có thể lên tới 15-16 triệu, thậm chí vượt mức đỉnh 18 triệu khách trong năm 2025.
Như vậy, du lịch chính là điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Nếu sắp tới, Trung Quốc mở cửa thị trường du lịch và cho phép các tour đến Việt Nam được phép mở lại, thì các tháng hè, chúng ta có thể có một mùa bội thu. Nhưng cho dù Trung Quốc chưa mở lại thì con số cũng đã rất cao so với năm 2022. Hy vọng trong năm 2023, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ rất tốt từ lĩnh vực này. Khi du lịch tăng mạnh, nó sẽ kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác được hỗ trợ bao gồm vận tải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ,… Riêng lượng ngoại hối có thể thu được sẽ đạt từ 10-13 tỷ USD trong năm nay từ du lịch.
- Vậy khuyến nghị của ông với nhà đầu tư hiện nay là gì?
Hãy học, học nữa, học mãi. Hãy trau dồi kinh nghiệm, kiến thức để đứng vững trước bão tố, vượt qua cơn ảm đạm của thị trường, khi đó, nhà đầu tư sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán còn nhiều thử thách
04:00, 04/03/2023
Tâm lý thận trọng tác động mạnh lên thị trường chứng khoán
07:41, 28/02/2023
Chứng khoán toàn cầu khó tránh biến động
05:10, 24/02/2023
Chọn cổ phiếu đặc thù trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc
05:00, 14/02/2023
Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán
05:30, 16/02/2023