Kiến nghị giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững
Phát triển sản phẩm, đẩy mạnh IPO, mở rộng hệ sinh thái tài chính, đa dạng hoá và nâng cao hiểu biết nhà đầu tư là những giải pháp thúc đẩy TTCK, khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp niêm yết.
>>Chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng gì từ việc SVB sụp đổ?
Chỉ số VN-Index đã sụt giảm 32,8% trong năm 2022 so với mức đóng cửa của năm 2021, đây cũng là mức sụt giảm năm lớn nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản vẫn duy trì ở mặt bằng cao với quy mô thanh khoản trung bình hơn 20.000 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2021, điều này cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang tạo ra mặt bằng thanh khoản mới.
Đà giảm thảm khốc của TTCK Việt Nam có sự đóng góp phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản, với hàng loạt các rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản. Đồng thời, với tỷ lệ giao dịch phần lớn chủ yếu là hơn 90% đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021, điều này cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong Top thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Đài Loan năm 1988-1990, chỉ số TWSE đã mất gần 10.000 điểm từ đầu năm 1990 đến tháng 09/1990, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 1988-1989. Số lượng tài khoản chứng khoán đạt 4 triệu tại khoản trong giai đoạn tăng trưởng nóng, cùng với tỷ lệ giá giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới hơn 90%, đã khiến thanh khoản thị trường chứng khoán Đài Loan chiếm gần 57% giá trị thanh khoản trung bình năm 1989 của thị trường chứng khoán Mỹ.
Có thể thấy, sức tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021 đang khá tương đồng với thị trường khoán Đài Loan trong năm đó. Nhưng bước sang năm 1990, thị trường chứng khoán Đài Loan đã lao dốc mạnh khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, buộc Chính phủ Đài Loan phải đưa ra nhiều giải pháp nhưng không can thiệp trực tiếp vào thị trường chứng khoán.
>>Vốn ETFs đảo chiều, chứng khoán Việt còn hút vốn ngoại?
Chính vì vậy, chúng tôi xin đưa nêu ra một số vấn đề, cùng với đề xuất để phát triển thị trường chứng khoán nhằm khơi thông dòng vốn dài hạn cho các doanh nghiệp niêm yết như sau:
Thứ nhất, là sản phẩm trên thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm ETF trong nước và có thể hướng đến cơ chế cho các quỹ ETF thành lập theo nguyên tắc của quỹ hoặc liên kết với các quỹ chỉ số (FTSE hoặc MSCI) như các thị trường mới nổi và phát triển. Đồng thời đẩy nhanh việc vận hành thị trường trái phiếu thứ cấp nhằm tăng tính minh bạch của thị trường này và gia tăng số lượng hợp đồng phái sinh ở nhiều chỉ số chứng khoán khác ngoài VN30.
Thứ hai, là hoạt động IPO, cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước. Giải pháp đặt ra là đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp Nhà nước trong các khối ngành viễn thông, dầu khí, điện nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng từ nhóm bất động sản. Giá trị huy động vốn thông qua IPO tại TTCK Việt Nam hiện đang thấp so với khu vực trong năm 2021, điều này đang khiến thị trường cũng trở nên kém hấp dẫn.
Thứ ba, mở rộng hệ sinh thái tài chính ngách để hỗ trợ tiền IPO bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và thành lập sàn giao dịch huy động vốn cho nhóm doanh nghiệp này. Quy mô AUM của các quỹ PE tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,6% GDP, thấp hơn mức trung bình 1,5% tại khu vực Đông Nam Á.
Thứ tư, đa dạng hóa nhà đầu tư. Tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh việc phát hành NVDR (áp dụng mô hình của Thái Lan) để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán, từ đó thu hút các quỹ ETF ngoại từ các nước phát triển.
Thứ năm, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, thúc đẩy đa dạng sản phẩm để triển khai và đào tạo nhà đầu tư về tài chính cá nhân. Triển khai chương trình đào tạo kế hoạch tài chính cá nhân tại các trường đại học, kết hợp với các doanh nghiệp triển khai các chương trình sản phẩm Wealth cho người lao động khi nguồn thu nhập tăng thêm.
Có thể bạn quan tâm
“Làn gió” mới cho chứng khoán
16:14, 16/03/2023
Chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng gì từ việc SVB sụp đổ?
04:50, 14/03/2023
Chứng khoán: Sức ép chốt lời còn lớn
12:30, 12/03/2023
Giá dầu rục rịch tăng, thận trọng với thị trường chứng khoán
05:20, 11/03/2023