Sóng tăng lan toả thị trường chứng khoán
Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán đang ở chân một con sóng mới, khi nhóm cổ phiếu "tiên phong" đã chứng minh cho các nhóm khác rằng, không khí này bắt đầu lan toả.
>>Chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán hưởng lợi
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên ngày 3/4 tiếp tục duy trì đà tăng điểm suốt thời gian giao dịch. Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 14,64 điểm lên mức 1.079,28 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng mạnh so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch 3 sàn đạt hơn 972,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 16.371,09 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán với nhiều mã tăng mạnh như SSI (+2,33%), VND (+2,58%), VCI (1,71%), HCM (+2,35%), FTS (+1,76%), VIX (+4,42%), BSI (+3,67%),... Tương tự, cổ phiếu ngân hàng có các mã tăng tốt như VCB (+1,53%), CTG (+2,57%), TCB (+3,35%), MBB (+2,47%),... riêng BID giảm nhẹ (-0,60%).
Cổ phiếu bất động sản cũng trong đà tăng tích cực, VHM tăng 2,10%, VIC tăng 5,50%; các cổ phiếu NLG, DIG, DXG, BCG, IJC, SCR, HQC, KDH đều tăng kịch trần.
Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace cho biết, từ phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 31/3, thị trường chứng khoán đã có hai điểm đáng chú ý, đó là các cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán có một loạt các mã kích cỡ nhỏ vượt đỉnh, vượt qua khỏi khu vực đi ngang và đến giai đoạn gần cuối của một xu hướng ngắn hạn. Cùng với đó, một số mã bất động sản khu công nghiệp cũng nhen nhóm tín hiệu có khối lượng giao dịch lớn.
Đến ngày 3/4, thị trường bắt đầu có sự lan tỏa sang các nhóm ngành khác. Đây là một trạng thái thường thấy khi thị trường đang ở chân một con sóng mới, khi nhóm cổ phiếu tiên phong đã chứng minh cho các nhóm khác rằng, không khí này bắt đầu lan toả.
Còn nhìn dưới góc độ vĩ mô, thì đó là do hiệu ứng từ chính sách hạ lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, nếu thị trường tích cực thì các luồng thông tin sẽ có xu hướng khẳng định nhau, nhưng khi thị trường không rõ ràng, thì dù có tin tốt, cũng không thể xác nhận được thanh khoản trên thị trường, hay việc giá cổ phiếu có vượt đỉnh...
Nhìn lại việc hạ lãi suất điều hành lần trước, thị trường chứng khoán gần như không có nhiều phản ứng, cho đến đợt hạ lãi suất lần hai, thị trường mới bắt đầu tích cực hơn. Vốn dĩ, thị trường chứng khoán trong trạng thái bình thường luôn luôn đi trước những kết quả kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu... cho nên chỉ cần thấy thị trường giao dịch ngắn hạn xác nhận điều đó, chứng tỏ các thông tin tích cực bắt đầu ngấm vào sự tự tin của các nhà đầu tư.
Nhìn sâu vào chỉ số VN-Index hiện tại có thể thấy, thị trường vẫn đang phân hóa, có một số nhóm tăng lên trước như chứng khoán, sau đó là bất động sản nói chung có chiều hướng đi lên. Nhóm ngân hàng cũng đã có một số mã bứt Top từ trước như VCB và một số mã bứt Top sau như MBB, HDB. Đây là đặc thù của dạng sóng tăng đầu, khi sóng tăng chính chưa thuyết phục được tất cả các mã cổ phiếu. Nếu đây là sóng tăng thực sự, thì đợt tới chúng ta sẽ thấy một nhịp điều chỉnh và sau đó sóng tăng chính mới xuất hiện. Điều kiện có sóng tăng chính là tất cả các mã sẽ tăng đồng nhịp cùng một lúc, chứ không khác nhịp như hiện nay.
“Cách nhận xét chung này cho chúng ta góc nhìn rằng, đây chưa phải sóng tăng chính và nhà đầu tư có thể chờ đợi một đợt điều chỉnh mà không cần quá FOMO ngay lúc này. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thích hợp dành cho các nhà đầu tư muốn tích sản cho đến khi chỉ số VN-Index tăng cao, đây được xem là một công cụ rất quan trọng dành cho những người ít có thời gian theo dõi thị trường”, Nhà sáng lập FinPeace nói.
>>Kiến nghị giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững
Trong bối cảnh xu hướng lãi suất bắt đầu giảm ở hiện tại, việc lựa chọn nhóm ngành nào là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích, việc đầu tư trên sàn chứng khoán còn phụ thuộc vào sự kỳ vọng của mỗi người.
Ví dụ, nhà đầu cơ sẽ kỳ vọng ngắn hạn rất rõ. Hiện nhóm đi đầu trên thị trường là nhóm ngân hàng quốc doanh và tiếp theo là nhóm chứng khoán tăng vốn ít và đến phiên giao dịch ngày 3/4 bắt đầu đến nhóm bất động sản. Khi đầu cơ, các câu chuyện lớn trên thị trường đều tương tự như nhau, sự sai khác giữa việc lựa chọn các nhóm ngành sẽ không quá nhiều.
Còn với đầu tư dài hạn thì khác, lựa chọn về tăng trưởng nghe sẽ không mấy hấp dẫn, nhưng nếu nhìn vào một cổ phiếu điển hình làm ví dụ sẽ thấy, như trường hợp của FPT, cổ phiếu này tăng trưởng rất đều, ngay cả khi thị trường giảm thì gần như FPT cũng không giảm đáng kể.
“Vì vậy theo tôi, nhà đầu tư cần xác định mình muốn gì, đầu cơ hay đầu tư? Đầu cơ thì phải học rất nhiều kỹ năng để sẵn sàng cho việc đầu cơ. Chúng ta cần xác định ngay từ đầu mục tiêu và lựa chọn của mình. Với những nhà đầu tư dài hạn, đang đi làm công việc ổn định, thì việc phải “bám bảng điện” hằng ngày là không cần thiết và cũng không phải sức mạnh của mình.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ có hai trường hợp, một là mua rẻ, hai là mua đều. Với tình hình thị trường hiện tại thì nên mua đều, không cần biết quá nhiều trong Top các doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm VN30, chỉ ngoại trừ một số mã như NVL thì không thể mua đều”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán hưởng lợi
05:00, 02/04/2023
Vì sao các công ty chứng khoán thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023?
05:02, 31/03/2023
ĐHĐCĐ 2023 VCI: Đổi mới toàn diện, thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán Vietcap
18:48, 30/03/2023
Dòng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu chứng khoán
05:26, 28/03/2023