Cơ hội từ nhóm cổ phiếu ngân hàng
Ngân hàng sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ trong năm 2023 và nhà đầu tư có thể áp dụng đánh giá cổ phiếu dựa vào 3 trụ cột chính gồm: Tăng trưởng lợi nhuận tốt; Cổ tức cao; và Định giá rẻ.
>>Tín hiệu tích cực cho cổ phiếu ngân hàng
Các ngân hàng phân hoá mạnh
Theo các chuyên gia phân tích tại CTCK VNDIRECT, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 có thể sẽ giảm tốc, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn được mở ra với các ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao, cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu hệ thống…
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, VNDIRECT cho biết, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại và đạt 11% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 34% so với cùng kỳ năm 2022).
Điểm sáng được đánh giá cao là sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,2 lần P/B năm 2023 (chỉ cao hơn mức -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm) đang tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn.
Tương tự, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam phân tích, triển vọng tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong năm 2023 có thể tương đương năm 2022 với mức 14-15%. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh toàn ngành quý 1 và quý 2 khả năng sẽ giảm so với cùng kỳ, do nền kết quả kinh doanh quý 1-2/2022 rất cao và lãi suất huy động cuối năm ngoái cũng cao. Trước đó, mức lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng khoảng 9- 9,5%, có ngân hàng lên đến 11-12%, nhưng hiện nay đã giảm đáng kể.
Lợi thế theo nhóm
Các chuyên gia dự báo kết quả kinh doanh của ngân hàng năm 2023 sẽ phân hóa mạnh, không còn đều đặn ổn định như những năm trước.
Cụ thể, với nhóm ngân hàng có quản trị rủi ro tốt là những ngân hàng có nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, CASA cao, điển hình như MBB, TCB, VCB, MSB, ACB.
Còn nhóm tăng trưởng tín dụng cao, là những ngân hàng hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng, hỗ trợ tái cơ cấu như MBB, HDB, VCB, khả năng cao sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, VPB có FE Credit lỗ 3.000 tỷ đồng năm 2022 và xu hướng lỗ có thể kéo tiếp đến năm 2023 nên cần phải lưu ý. Riêng MBB, HDB, VCB dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, nghĩa là tiềm năng vẫn rất mạnh.
Ngược lại, nhóm ngân hàng có giá vốn cao, CASA thấp, nợ xấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, cho vay nhiều, quy mô nhỏ,... khả năng sẽ giảm lợi nhuận trong năm nay, thậm chí nếu họ không cơ cấu thì có thể lỗ.
“Chúng tôi đánh giá, kết quả kinh doanh toàn ngành tăng trưởng cả năm đâu đó khoảng 10%, trong đó có một nhóm lớn tăng trưởng mạnh, còn một nhóm sẽ âm chứ không tăng trưởng đều nhau như những năm trước”, ông Đặng Trần Phục nhấn mạnh.
>>Chất lượng tài sản sẽ quyết định giá của cổ phiếu ngân hàng
Tận dụng nhịp điều chỉnh
Cũng theo vị đại diện AzFin, năm 2023 là năm khởi đầu của “cơn mưa” trả cổ tức tiền mặt, với 4 ngân hàng đã đưa ra tín hiệu và thực hiện đó là VIB, TPB, ACB, VPB. Những năm sau, làn sóng này sẽ lan rộng sang nhiều ngân hàng khác hơn nữa.
Nguyên nhân là do hệ thống an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng khá cao so với yêu cầu tối thiểu 8% theo Basell 2. Hiện nay, trung bình toàn ngành khoảng 11,5% và có một số nhóm cao hơn 12% rất nhiều, kể cả nhóm đó có áp dụng tiêu chuẩn Basell 3, thì vẫn có thể trả cổ tức tiền mặt tốt.
“Thực tế ngành ngân hàng trước năm 2019, ngân hàng đã trả cổ tức tiền mặt khá đều đặn, nhưng cũng có những ngân hàng bị lỗ và phải huy động thêm vốn. Chúng tôi cho rằng, đây là một ngành có thể đầu tư theo phương pháp đánh giá dựa vào 3 trụ cột chính gồm: Tăng trưởng lợi nhuận tốt; Cổ tức cao; và Định giá rẻ.
Khi thị trường chứng khoán trở lại ổn định trong lâu dài, định giá các cổ phiếu sẽ được nâng lên, với 3 khía cạnh như vậy sẽ tạo ra các cổ phiếu tăng trưởng mạnh mà trong quá khứ đã có khá nhiều cổ phiếu đạt được. Tuy nhiên hoạt động này phù hợp với nhà đầu tư tích sản lâu dài, chứ không phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng”, ông Phục khuyến nghị.
Bà Trần Thị Khánh Hiền nhìn nhận, dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại. Dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể mà chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường không thực sự mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, VN-Index có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm. Tuy nhiên, kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt tương đối trong thời gian qua, cùng những thông tin chính sách hỗ trợ được ban hành đồng bộ.
“Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh lần này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, nếu VN-Index về vùng hỗ trợ 1.030 - 1.040 điểm. Đồng thời, ưu tiên dịch chuyển danh mục đầu tư sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm nay như ngân hàng, đầu tư công, hoặc những ngành nằm trong đầu chu kỳ phục hồi”, bà Hiền chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
“Nhịp đập” chứng khoán
15:46, 24/04/2023
Chứng khoán: Cẩn trọng áp lực bán ròng của khối ngoại
03:00, 22/04/2023
Thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm, cơ hội cho nhà đầu tư
05:13, 17/04/2023
Còn "sóng" chuyển sàn giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong 2023?
05:00, 14/04/2023
Tín hiệu tích cực cho cổ phiếu ngân hàng
04:00, 29/03/2023
Kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng tạo đáy
10:00, 23/03/2023
Nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu ngân hàng nắm giữ ít trái phiếu doanh nghiệp nhất?
05:29, 17/03/2023