“Nhịp đập” chứng khoán quý II

TS. Lê Đức Khánh - Chuyên gia chứng khoán 04/05/2023 02:46

Cơ hội đầu tư chứng khoán có thể sẽ lớn hơn trong quý 2 mặc dù biến động giá của phần lớn các nhóm cổ phiếu là không nhiều.

>> Sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa vào giữa năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã đi được 1/4 chặng đường với VN-Index biến động trong biên độ hẹp quanh vùng 1.020-1.060 điểm cho dù một vài thời điểm dao động quanh biên độ 1.080-1.100 điểm. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ đi vào xu thế tăng điểm nhẹ trong quý II/2023 nhờ một số yếu tố tích cực.

Chính sách tiền tệ “đảo chiều”

Giới đầu tư toàn cầu dường như “ngồi trên đống lửa” khi các ngân hàng lớn như Sillicon Valley Bank và Signature bank sụp đổ. Ngoài ra, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới là Credit Suisse cũng đã bị ngân hàng UBS mua lại. Chưa bao giờ hệ thống tài chính toàn cầu lại được đặt trong tình trạng báo động cao như vậy, khiến niềm tin nhà đầu tư, tâm lý người dân bị “lung lay”. Điều này cũng đã khiến các TTCK thế giới giảm điểm mạnh với nhiều quan điểm cho rằng rủi ro hệ thống có thể gây ra những hiệu ứng “domino” tác động lớn đến các ngân hàng trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại có thể một lần nữa lo lắng quá mức về các sự kiện mà họ có thể tránh và hạn chế được thiệt hại lớn khi các chính phủ, các NHTW lớn sẽ can thiệp ngay nếu cần để tránh cho các nền kinh tế Mỹ, Châu Âu, Châu Á những cú sốc lớn.

Trong kỳ họp tháng 3 vừa qua, FED chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% và nhận định việc lãi suất sẽ chạm đỉnh trong năm 2023 (tính cả 1 đợt tăng lãi suất dự kiến ở kỳ họp tháng 5 tới). Nếu lãi suất của FED chạm đỉnh trong quý II và có thể duy trì đến giai đoạn cuối năm thì việc hạ lãi suất có thể bắt đầu từ ngay đầu năm 2024. TTCK toàn cầu đều đang đón chờ những thông tin này và diễn biến sẽ tích cực ngay trước khi chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt chuyển sang trạng thái nới lỏng.

 Các nhà đầu tư sẽ sớm quay lại TTCK và gia tăng giải ngân một khi TTCK kết thúc pha điều chỉnh tích lũy. Ảnh: Hoàng Hà

Các nhà đầu tư sẽ sớm quay lại TTCK và gia tăng giải ngân một khi TTCK kết thúc pha điều chỉnh tích lũy. Ảnh: Hoàng Hà

Trong bối cảnh đó, NHNN cũng đã triển khai đợt giảm lãi suất điều hành đầu tiên, khiến TTCK phản ứng tích cực hơn. Nhóm VN30, nhóm chứng khoán vốn là những nhóm nhạy cảm với chuyển động vĩ mô, đã có giao dịch sôi động.

ETFs bắt đầu “ra tay”

Số liệu thống kê trong 3 tháng đầu năm 2023 đã chỉ ra rằng, ngoại trừ bán ròng trong tháng 2 thì khối ngoại đã mua ròng cả trong tháng 1 và tháng 3 với lần lượt là 2.500 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Các quỹ VNM ETFs hay Fubon ETFs cũng đã tiến hàng giải ngân vào các cổ phiếu Việt Nam, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30. Nhờ vậy, diễn biến nhóm VN30 đang có dấu hiệu tốt hơn chỉ số VN - Index. Điều này đã và đang minh chứng nhóm cổ phiếu lớn được sự quan tâm bởi dòng tiền ngoại.

>>Kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 5

Nếu xu hướng TTCK đã tạo đáy và việc đảo chiều chính sách sớm diễn ra thì việc chọn thời điểm giải ngân của các quỹ đầu tư theo chỉ số ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.

Khối ngoại mua ròng cũng sẽ là động lực khiến thanh khoản TTCK Việt Nam được cải thiện. Trong khi đó, dòng tiền khối nội cũng sẽ sớm quay lại. Việc dòng tiền nội và ngoại đồng thuận nhập cuộc sẽ khiến TTCK tăng điểm tốt hơn cho dù khả năng tăng mạnh là không lớn.

Cổ phiếu nào hút dòng tiền?

Ngay cả trong bối cảnh tồi tệ nhất thì TTCK Việt Nam vẫn “đứng vững” trước những tin xấu. Sau khi giảm từ vùng 1.520- 1.525 điểm về 880- 900 điểm trong phần lớn thời gian năm 2022, thì VN-Index gần như chỉ đi ngang quanh mốc 1.040 (+/- 20 điểm) trong 3 tháng đầu năm 2023. Mặt bằng giá nhiều cổ phiếu lớn đã được xác định ở mức thấp và khó có thể giảm thêm – lực cầu mua tích lũy cổ phiếu đã khiến nhóm cổ phiếu VN30 và nhiều cổ phiếu lớn ngoài VN30, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ở các lĩnh vực như ngân hàng, tiêu dùng, thép, xây dựng xây lắp, hóa chất, bất động sản… đã về mức giá thấp hoặc thấp lịch sử khi P/E TTCK Việt Nam đã quanh mốc 11x.

Các giai đoạn vận động của TTCK thường diễn ra theo 5 giai đoạn và cũng tuân theo mô hình các bước sóng tăng và các bước sóng giảm. TTCK cũng sẽ không điều chỉnh giảm mãi, và ngược lại cũng không tăng mãi. TTCK điều chỉnh tích lũy cũng đã được 15 – 16 tháng kể từ đầu năm 2022 đến nay và có thể sẽ bước vào giai đoạn hồi phục ở phần còn lại của năm 2023.

Nhóm ngành có nhiều khả năng vận động tốt khi TTCK hồi phục là nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, dầu khí… Các nhà đầu tư cũng sẽ sớm quay lại TTCK và gia tăng giải ngân một khi TTCK kết thúc pha điều chỉnh tích lũy. Các cổ phiếu đáng lưu ý có thể là VCI, LPB, FTS, KSB, PVS, VPB, LCG…

Có thể bạn quan tâm

  • Lo ngại hệ thống ngân hàng trục trặc, vàng bật tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce

    Lo ngại hệ thống ngân hàng trục trặc, vàng bật tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce

    14:00, 03/05/2023

  • “Cơ hội vàng” đầu tư bất động sản

    “Cơ hội vàng” đầu tư bất động sản

    14:00, 03/05/2023

  • Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT trong tháng 5

    Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế VAT trong tháng 5

    13:56, 03/05/2023

  • Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn có nguồn cung đáng kể

    Bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn có nguồn cung đáng kể

    13:53, 03/05/2023

TS. Lê Đức Khánh - Chuyên gia chứng khoán