Thị trường chứng khoán tháng 5 chưa hết trồi sụt
TTCK có khả năng hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng, khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
>>Thời cơ tích sản trên thị trường chứng khoán
Tín hiệu tích cực từ vốn FDI
Theo các số liệu công bố, tổng vốn FDI đăng ký đã tăng mạnh trong tháng 4/2023 với 3,43 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Hai tỉnh thành thu hút đăng ký FDI nhiều trong tháng 4 là Bình Dương và Long An. Vốn FDI giải ngân trong tháng 4 tiếp tục duy trì tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm, nhưng giảm 14% so với cùng kỳ tháng.
Số dự án mới và số vốn FDI đăng ký đều tăng mạnh trong tháng 4 là tín hiệu tích cực. Yuanta Việt Nam cho rằng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dòng vốn FDI đang bắt đầu trở lại do tình hình vĩ mô trong nước cải thiện rõ nét hơn, đặc biệt là lạm phát và lãi suất đang giảm, áp lực tỷ giá hạ nhiệt cùng nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn mạnh.
Mặc dù chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực cho dòng vốn FDI trong trung và dài hạn nhưng trong ngắn hạn, dòng vốn FDI vẫn nhiều khả năng chưa thể tăng mạnh trở lại trong 2023 do hiệu ứng của Luật Thuế tối thiểu toàn cầu và các bất ổn vĩ mô thế giới. Vì vậy, chúng ta vẫn cần quan sát thêm trong các tháng tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực cho dòng vốn FDI trong trung hạn và dài hạn khi các rủi ro vĩ mô dần đi qua.
Về tình hình xuất nhập khẩu có thể vẫn chậm trong vài tháng tới. Theo đó, tình hình xuất nhập khẩu tháng 4/2023 vẫn chậm so với cả tháng trước và cùng kỳ, tuy nhiên, mức giảm so với cùng kỳ tháng là không lớn. Chúng tôi cho rằng, xuất nhập khẩu có thể tiếp tục chậm trong vài tháng tới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất thêm 0,25% gây áp lực lên tổng cầu, tuy nhiên có thể kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn từ quý 3/2023 nhờ các yếu tố như:
Thứnhất, các doanh nghiệp xuất khẩu đang bắt đầu nhận được các đơn hàng mới từ những thị trường mới, khách hàng mới.
Thứhai, kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa rõ nét từ giữa năm 2023 (các ngành kỳ vọng hưởng lợi gồm dệt may, sắt thép, hóa chất, cao su, nông sản). Một số mặt hàng tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong tháng 4/2023 và 4 tháng năm 2023 như gạo, cà phê, rau quả, phương tiện vận tải, cao su, giấy, hạt điều.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát
Lạm phát liên tiếp hạ nhiệt
Riêng về vấn đề lạm phát, tháng 4 là tháng giảm thứ 2 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Cụ thể, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ có 2 nhóm mặt hàng tăng giá nổi bật trong tháng 4 là nhóm Giao thông, tăng 0,43% và Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,35%. Các nhóm hàng khác nhìn chung là giảm giá hoặc chỉ tăng nhẹ như Giáo dục giảm 1,3%, Nhà ở và Vật liệu xây dựng (VLXD) giảm 0,83%, Văn hóa – giải trí – du lịch giamr 0,45%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,38%.
Có thể thấy, trong tháng 4/2023, CPI tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp là một điều khả quan, bên cạnh đó, điểm tích cực là giá giảm cho cả mặt bằng chung các nhóm hàng hóa dịch vụ chứ không riêng lẻ một nhóm nào. Yếu tố lớn nhất đẩy tăng CPI các tháng trước là VLXD thì nay giá nhóm này đã giảm, một phần vì tồn kho hàng hóa nhiều ở Trung Quốc và thị trường này không hồi phục mạnh như kỳ vọng trước đó.
Như đã đề cập từ các báo cáo trước, chúng tôi cho rằng CPI các tháng tới sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi câu chuyện mở cửa của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, mức tăng CPI so với cùng kỳ năm có thể tiếp tục chậm lại trong các tháng tới do mức nền so sánh cao của cùng kỳ 2022 và nguồn cung hàng hóa đang dần hồi phục.
Vì vậy, chúng tôi tiếp tục nghiêng về kịch bản áp lực lạm phát có thể hạ nhiệt trong 2023 nhưng cũng lưu ý rủi ro vẫn cao do nguồn cung vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và câu chuyện Trung Quốc mở cửa. Chúng tôi đánh giá cao kịch bản lạm phát cả năm 2023 trong mục tiêu dưới 4,5%.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá
Một vấn đề đáng quan tâm trên thị trường hiện nay là nhu cầu vàng tăng, tỷ giá đi ngang theo giá USD thế giới. Theo đó, giá vàng SJC trong nước tiếp tục tăng đều trong tháng 4/2023 ở cả 2 chiều mua vào, tăng 0,23% so với cùng kỳ tháng trước và bán ra, tăng 0,22%. Chênh lệch mua bán giảm nhẹ về mức 600.000 đồng/lượng cho thấy nhu cầu vàng tăng nhưng khá ổn định và cân bằng cung – cầu.
Giá vàng thế giới tăng mạnh 10% MoM sau khi Fed tăng 0,25% lãi suất và các vụ lùm xùm liện quan đến rủi ro hoạt động của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu, khiến khoảng cách giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới, thu hẹp xuống mức 17% (tại ngày 4/5/2023).
Tỷ giá biến động nhẹ nhưng nhìn chung là đi ngang trong tháng 4/2023 như tỷ giá trung tâm, tỷ giá ngân hàng thương mại, thị trường tự do. Tỷ giá trong nước đi ngang theo giá USD trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY tăng nhẹ, với việc Fed đã tăng 0,25% lãi suất vào đầu tháng 5. Các yếu tố tốt xấu đang đan xen chi phối khiến DXY đi ngang. Tuy nhiên, áp lực lên VND đã nhẹ hơn khi FDI tháng 4 tăng trưởng trở lại và xuất siêu mạnh do nhập khẩu giảm.
Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá USD/VND sắp tới, một là xuất siêu duy trì, hai là kỳ vọng xuất khẩu hồi phục tại các nước Mỹ, EU và câu chuyện Trung Quốc mở cửa. Đặc biệt, lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng mạnh, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, thì nguồn ngoại tệ này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tỷ giá.
Về mặt bằng lãi suất và rủi ro vĩ mô đã tiếp tục giảm. Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4, nhất là ở các kỳ hạn trung sau khi các kỳ hạn ngắn đã giảm mạnh trong tháng 3. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 4. Hiện tại lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các NHTM đã rơi xuống dưới 9%/năm.
Một động thái khác hỗ trợ lãi suất giảm là hành động mua USD dự trữ của NHNN. Chúng tôi cho rằng lãi suất có thể tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới nhưng sẽ cần đến quý 3/2023 thì áp lực lãi suất mới giảm đi đáng kể khi NHTW các nước dừng nâng lãi suất.
Như vậy, hầu hết các chỉ số vĩ mô tháng 4 đã cho thấy sự cải thiện hơn tháng trước về cả lĩnh vực sản xuất lẫn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, sức cầu vẫn còn suy yếu tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam khiến động lực tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng.
Dòng vốn FDI trong tháng 4 có những dấu hiệu tích cực hơn từ sự tăng lên đáng về số lượng dự án và vốn đăng ký mới, tuy nhiên, theo chúng tôi sẽ cần thêm thời gian để dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ như những năm trước dịch, khi triển vọng kinh tế thế giới rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua NHNN cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN liên quan cơ cấu lại các khoản nợ, Thông tư 03/2023/TT-NHNN liên quan việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Đây là các động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ phía NHNN trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Với những tín hiệu vĩ mô tích cực hơn cũng như chính sách điều hành từ phía Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tình hình tăng trưởng quý 2 sẽ có nhiều điểm tích cực hơn quý 1. Trong đó, kỳ vọng đầu tư công là động lực dẫn dắt chính cho tăng trưởng kinh tế trong nước khi Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 cũng như thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng sẽ là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng khi lượng khách du lịch quốc tế vẫn đang hồi phục tốt, du lịch trong nước cũng thuận lợi hơn khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài và kỳ nghỉ hè sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ trong quý 2.
>>Chứng khoán sẽ phân hóa trong tháng 5
TTCK có thể đi ngang
Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.049,12 điểm, giảm 1,5% so với cùng kỳ tháng trước. Đồng thời, quy mô khối lượng giao dịch tháng 4/2023 tiếp tục tăng 9% so với tháng trước, nhưng đồ thị giá của chỉ số VN-Index vẫn giao dịch dưới đường trung bình 50 tháng.
Thực tế, đồ thị giá của chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn sóng điều chỉnh C và Yuanta Việt Nam dự báo chỉ số VN-Index đã kết thúc giai đoạn giảm dài hạn.
Mặc dù có các yếu tố vĩ mô tương đối tích cực, chúng tôi nhìn nhận, thị trường chứng khoán vẫn có thể đi ngang và còn phân hóa trong tháng 5 này. Tuy nhiên, thị trường có khả năng hồi phục trong nửa đầu tháng 5 và giảm trở lại trong nửa cuối tháng 5 khi đây là thời điểm vùng trũng thông tin và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Vì vậy, thị trường có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại của các chỉ số chính, các nhà đầu tư dài hạn. Đáng chú ý, dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt những cổ phiếu có các câu chuyện hỗ trợ. Nhóm cổ phiếu chúng tôi ưa thích trong tháng 5 là sản xuất & phân phối điện, bất động sản và vận tải.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán sẽ phân hóa trong tháng 5
12:00, 07/05/2023
Thời cơ tích sản trên thị trường chứng khoán
05:31, 07/05/2023
Nhận diện “bẫy” thao túng giá chứng khoán
17:00, 05/05/2023
“Nhịp đập” chứng khoán quý II
02:46, 04/05/2023