Khách hàng tổ chức - Thị phần môi giới đang thuộc về CTCK nào?
Không phải Công ty Chứng khoán (CTCK) nào trên thị trường cũng nhắm vào cạnh tranh thị phần môi giới khách hàng cá nhân - vốn liên tục thay các thế hệ "F", đặc biệt khi thị trường biến động...
>>“Sức bật” cổ phiếu chứng khoán
Thay vào đó, đã từ lâu, một số CTCK xây dựng chến lược riêng, chú trọng mảng, miếng khai thác và khai thác khách hàng tổ chức.
Trên thị trường, 3 CTCK từ lâu luôn dẫn đầu về thị phần môi giới khách hàng tổ chức, được biết đến gồm Chứng khoán Vietcap (vừa đổi tên từ Chứng khoán Bản Việt, HoSE: VCI), Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) và chứng khoán TP.HCM (HoSE: HSC).
Trong đó, Vietcap (VCI) với thị phần 25% trong năm 2022 với đội ngũ nhân sự mạnh, có kinh nghiệm, đáp ứng được các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp và toàn diện nhất cho các khách hàng tổ chức. Chẳng hạn với đội sales cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, đội ngũ traders thực hiện tốt nhất các giao dịch và đội ngũ Corporate Access đã tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp trực tiếp và theo nhu cầu của khách hàng. VCI là đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến và cả những gặp gỡ trao đổi trực tiếp với khách hàng, cho nhà đầu tư trên khắp thế giới bao gồm Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Hoa Kỳ...
Thông qua Hội nghị Đầu tư Quốc tế Vietnam Access Day (VAD), VCI cũng đón hơn 350 nhà đầu tư tổ chức, 40 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và 16 chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là Hội nghị thường niên mà VCI đã tổ chức trong nhiều năm qua, nhằm tạo cơ hội để thảo luận về các xu hướng thị trường mới nhất, tìm kiếm cơ hội đầu tư, chia sẻ thông tin và thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư, tổ chức đầu tư ngoại đã chia sẻ tại các Hội nghị thường niên của VCI là thông qua VAD, họ khẳng định niềm tin Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư dài hạn.
>>Ông Tô Hải - TGĐ VCI: Giá trị các thương vụ M&A năm 2023 dự báo tăng cao
Trước đó, năm 2022, công bố lần đầu đánh giá xếp hạng tín nhiệm của VCI ở mức A - với triển vọng ổn định, FiinRatings nhận định: Vị thế kinh doanh của VCI ở mức Tốt với vị thế dẫn đầu trong mảng môi giới khách hàng tổ chức với thị phần ổn định 25-29% ở mảng này trong 3 năm qua, góp phần tạo nên sự ổn định của nguồn thu môi giới và hạn chế sự ảnh hưởng của sụt giảm thanh khoản của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán như trong thời gian vừa qua.
"VCI nằm trong Top 5 công ty đầu ngành theo quy mô doanh thu và tổng tài sản, và cũng là đơn vị dẫn đầu trong mảng hoạt động tư vấn và ngân hàng đầu tư. Mô hình kinh doanh được đa dạng hóa với các mảng hoạt động ngân hàng đầu tư, tự doanh, môi giới và cho vay ký quỹ góp phần đem lại sự cân bằng cho VCI gay cả trong điều kiện thị trường biến động không thuận lợi", công bố xếp hạng tín nhiệm từ VCI nêu.
Với SSI, công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay, cũng đã xây dựng và duy trì được một mạng lưới khách hàng (client database) mạnh mẽ và rộng khắp, bao gồm các tổ chức đầu tư lớn tại Việt Nam, Châu Á, Châu Âu, và Mỹ.
Trên thị trường, Lãnh đạo SSI cho biết, SSI là một trong số rất ít các công ty chứng khoán tại Việt Nam có khả năng cung cấp toàn bộ các dịch vụ trên một cách tốt nhất. Mạng lưới các đối tác của SSI cũng rất mạnh, cho phép SSI có thể tiếp cận các khách hàng và tổ chức đầu tư lớn tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu. Đây là kết quả của việc duy trì vị thế là công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam.
‘‘SSI sẽ luôn giữ vững mục tiêu là định chế tài chính hàng đầu tại thị trường Việt Nam, dần vươn ra thị trường quốc tế; với nguyên tắc lấy sự thành công của khách hàng làm tôn chỉ kinh doanh để không chỉ hoạt động hiệu quả, mà còn giúp nhà đầu tư gắn bó lâu dài với TTCK, coi chứng khoán là kênh giữ tài sản chứ không đơn thuần là nơi mua bán kiếm lời...’’ – ông Nguyễn Hồng Nam, TGĐ SSI chia sẻ với cổ đông, nhà đầu tư tại kỳ ĐHĐCĐ 2023 mới đây.
Những chia sẻ của ông Nam, tâm huyết của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI, cũng là yếu tố "hấp dẫn" để cổ đông chiến lược Daiwa dành "những lời có cánh", đặt niềm tin với CTCK này, theo lãnh đạo Daiwa chia sẻ.
Với CTCK HSC, việc cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức, khách hàng doanh nghiệp trên nền tảng giải pháp tài chính chuyên nghiệp là lợi thế được HSC đầu tư ngay từ đầu. Bên cạnh thế mạnh công nghệ nhờ đó, hỗ trợ tối ưu cho khách hàng ngoại từ bất cứ nơi đâu, HSC cũng là đơn vị mạnh về tư vấn tài chính doanh nghiệp. Qua đó, bổ sung sức hút để củng cố thị phần môi giới tổ chức nói chung.
Ngoài ra, “Emerging Việt Nam”, sự kiện về thị trường tài chính kết nối giữa các công ty hàng đầu Việt Nam với cộng đồng đầu tư quốc tế, cũng được HSC tổ chức thường niên và được đánh giá cao.
Chính nhờ lợi thế riêng có của từng công ty, mà đến nay Top 3 thị phần môi giới khách hàng tổ chức vẫn thuộc về VCI, SSI và HSC liên tục trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, khi TTCK đang xuất hiện ngày càng nhiều CTCK có vốn nước ngoài, cùng với đó là sự vượt lên về quy mô vốn và nguồn lực phía sau, kết hợp lợi thế hệ sinh thái, "miếng bánh" thị phần môi giới khối ngoại nói riêng, nhà đầu tư tổ chức nói chung được xem là "béo bở" sẽ có thêm nhiều đơn vị mong muốn sẻ chia.
Một chuyên gia cho biết trong cuộc đua chiếm thị phần môi giới khối ngoại, sự "lặng lẽ" của một số CTCK có vốn đến từ các định chế tài chính lớn tại Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, và cũng là các định chế có mạng lưới mở rộng tại các thị trường trong khu vực và khá phát triển như Thái Lan... thì sự phân chia lại thị phần môi giới khối ngoại rất có khả năng cũng sẽ "lặng lẽ" diễn ra.
Tuy vậy, ông này cho rằng ngoài nguồn lực và điều kiện "dẫn lối" nhà đầu tư đến với TTCK Việt Nam, một thị trường vẫn đang có định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, kinh nghiệm của các nhà "market maker" vẫn rất quan trọng. Đặc biệt, nhà đầu tư khối ngoại sẽ luôn đặt niềm tin vào các CTCK đã có lịch sử "đi trước" về môi giới cho các nhà đầu tư tổ chức thành công, bên cạnh đó là các thương vụ, hoạt động ngân hàng đầu tư uy tín trong mọi bối cảnh, mọi biến động chung.
"Một điểm cần lưu ý nữa là trong khi các nhà đầu tư, khách hàng cá nhân theo chiến lược của từng CTCK, có thể bị "hút" vào những đơn vị chú trọng phân khúc khách hàng này; và tiến tới đây dự báo sẽ tập trung vào những đơn vị cung cấp các dịch vụ đầu tư "hấp dẫn" thấy được như phí, lãi suất ký quỹ, hỗ trợ quản lý tài sản, tư vấn danh mục... thì những CTCK có điều kiện đầu tư, kết nối khách hàng tổ chức với chiến lược bền bỉ, dài lâu, vẫn luôn giữ được lợi thế riêng của mình", ông này cho biết.
Có thể bạn quan tâm