Sau đề xuất “sốc” của EVN, cổ phiếu DPM và DCM ra sao?

MINH ĐĂNG 24/05/2023 05:30

Sau đề xuất dừng 2 nhà máy đạm để nhường khí cho điện, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) đều có điều chỉnh.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

DCM, DPM phản ứng ra sao?

Cuối tuần trước Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi đề xuất đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - DPM), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, DCM), đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô - tháng 5-6.

Sau đề xuất có phần gây “sốc” trên, cổ phiếu của DPM và DCM đều có biến động giảm điểm mạnh. Phiên giao dịch ngày 22/5, cổ phiếu DPM dừng ở mức 31.300 đồng/cổ phiếu, giảm 2,6% so với phiên trước đó; cổ phiếu DCM dừng ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 0,21% so với phiên trước đó.

Trong phiên sáng ngày 22/5, cổ phiếu thanh khoản tại DPM tăng đột biến lên hơn gần 2,1 triệu cổ phiếu, vượt qua mức bình quân giao dịch toàn phiên trong khoảng 1 tháng trở lại đây là 1,5 triệu cổ phiếu/ngày.

Sang phiên hôm nay 23/5, cổ phiếu DPM và DCM lại quay đầu tăng, cổ phiếu DCM tăng 1,49% lên 23.850 đồng/cổ phiếu, nếu tính từ đầu năm DCM đã mất 10% giá trị. Còn cổ phiếu DPM tăng 1,76% lên 31.850 đồng/cổ phiếu, tính từ đầu năm đến nay cổ phiếu này đã mất 25,93% giá trị.

Trước đề nghị của EVN, Tập đoàn PVN đã có thông báo trả lời. Theo đó, PVN cho biết chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên những hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng hoặc giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được đại hội đồng cổ đông của các công ty này thông qua trước khi thực hiện.

Việc dừng hoặc giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm.

"Thêm nữa, việc dừng hay giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia", PVN nhìn nhận.

Bức tranh kinh doanh “kém sắc”

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2023, Đạm Phú Mỹ có mức doanh thu thuần gần 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, doanh thu trong nước chiếm 80% với 2.619 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, DPM lãi trước thuế 301 tỷ đồng, lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với mức lãi kỷ lục của cùng kỳ năm 2022. Theo ghi nhận, đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Kết thúc quý 1/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DPM ghi nhận là hơn 5.055 tỷ đồng. Vừa qua, Đạm Phú Mỹ cho biết, sau khi hoàn tất thành công đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ vào cuối tháng 4/2023, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã tiếp tục vận hành an toàn, ổn định.

Theo đó, sản lượng kể từ đầu năm đến nay đạt khoảng 480 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 273 nghìn tấn. Trong tháng 5 - 6/2023, kế hoạch sản lượng sản xuất và kinh doanh của DPM lần lượt là 180 ngàn tấn và 280 ngàn tấn phân bón, hóa chất.

Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. So với năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 60% về lợi nhuận.

Theo PVN, dừng sản xuất 2 nhà máy đạm nhường khí cho điện không đóng góp nhiều cho

Theo PVN, dừng sản xuất 2 nhà máy đạm nhường khí cho điện không đóng góp nhiều cho vận hành hệ thống điện quốc gia

Về Đạm Cà Mau, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 2.819 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Kết thúc quý 1/2023, DCM lãi sau thuế của công ty giảm mạnh 85% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu bán hàng của công ty mẹ giảm hơn 34% do giá bán phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm Ure quý 1/2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp.

Năm 2023, Đạm Cà Mau lên kế hoạch với các chỉ tiêu kinh doanh cũng giảm mạnh. Theo đó, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.459 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.461 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68% so với thực hiện năm trước.

Có thể thấy, không chỉ riêng Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đề ra kế hoạch thận trọng cho năm 2023, nhiều doanh nghiệp cùng ngành đánh giá, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã đạt đỉnh vào đầu những năm 2022, trước khi sụt giảm cho tới nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp phải dừng phương án chào bán cổ phiếu

    14:32, 23/05/2023

  • Dòng tiền nội đổ vào cổ phiếu TCB

    05:04, 23/05/2023

  • Kỳ vọng cổ phiếu TDC trở về giá trị sổ sách

    05:22, 22/05/2023

MINH ĐĂNG