Cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch khi VNG lỗ triền miên
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa cổ phiếu VNZ của công ty cổ phần VNG vào diện hạn chế giao dịch.
Chỉ giao dịch thứ 6
Theo quyết định của HNX, kể từ ngày 25/5, cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp đã chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định. Cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Trước khi bị hạn chế giao dịch, VNG từng có công văn đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX xem xét, chấp thuận cho VNG được gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2022.
Về phía VNG, công ty đã giải thích lý do chậm trễ trong việc công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2022. Theo đó, hai bản báo cáo BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) nên dẫn đến sự chậm trễ.
VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và 7 công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.
Vì vậy, VNG cho biết cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của BCTC thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.
Kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu “vút bay”
Theo BCTC quý 1/2023 của VNG, VNG báo lỗ sau thuế ở mức 90 tỷ đồng, nhưng đã thu hẹp đáng kể so với khoản lỗ 130 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và lỗ gần 548 tỷ đồng quý 4/2022. Với khoản lỗ trong quý 1, đây trở thành quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ.
Mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng thị giá cổ phiếu VNZ của VNG lại “vút bay”. Cổ phiếu VNZ được niêm yết trên UPCOM đã tăng mạnh từ hơn 200.000 đồng/cổ phiếu lên đến 1,3 triệu đồng/cổ phiếu (15/02/2023). Với mức giá này, VNZ đã lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam về thị giá, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất.
Lý giải về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, ban lãnh đạo VNG cho biết, giá cổ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường và thị hiếu nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp nào hay kiểm soát đối với cổ phiếu trong thời điểm vừa qua.
Mặc dù tăng “nóng” nhưng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này lại khá “èo uột”, chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên, hiếm hoi có một phiên đột biến giao dịch trên 10.000 cổ phiếu. Như vậy, có thể thấy lượng cổ phiếu trôi nổi rất thấp, phần lớn cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông nước ngoài và lãnh đạo của doanh nghiệp. Theo đó, lý giải về cung cầu thị trường dường như bất hợp lý.
Hiện tại, cổ phiếu VNZ đang giao dịch ở mức 769.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch khoảng 500 cổ phiếu. Như vậy, so với mức giá 1,3 triệu đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã bốc hơi 40% giá trị chỉ sau 3 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ lân công nghệ VNG tham vọng huy động 100 triệu USD để mở rộng kinh doanh
00:41, 19/05/2023
“Kỳ lân” VNG liên tục thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn đắt giá nhất sàn
05:00, 06/05/2023
VNG đẩy mạnh hạ tầng trung tâm dữ liệu cho nền kinh tế số
14:01, 20/04/2023